Sau Mỹ, EU có thể sẽ áp thuế với thép nhập khẩu từ Việt Nam?

Sau Mỹ, EU có thể sẽ áp thuế với thép nhập khẩu từ Việt Nam?


Bộ Công Thương cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đã mở một cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với 26 loại sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường châu Âu, trong đó có thép xuất xứ Việt Nam.

Quyết định điều tra được đưa ra sau khi Hệ thống giám sát nhập khẩu sắt thép của EC ghi nhận khối lượng thép nhập khẩu vào Châu Âu gia tăng đột biến từ tháng 3/2016.

Theo EC, việc gia tăng nhập khẩu vào EU xuất phát từ sự dư thừa công suất toàn cầu và các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng với thép từ các nước khác. Thêm vào đó, EC cũng cho rằng sự gia tăng nhập khẩu này gây thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất của EU (thể hiện ở việc mất thị trường, giảm lợi nhuận…).

Sản xuất phôi thép tại Khu liên hợp gang thép Việt – Trung, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN

Kết quả của việc điều tra này có thể dẫn đến quyết định áp thuế mới hoặc ban hành hạn ngạch đối với nước xuất khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất thép EU trước nguy cơ cạnh tranh dữ dội của thép nhập khẩu.

Theo thông lệ, cuộc điều tra sẽ được thực hiện trong vòng 9 tháng. Các biện pháp tạm thời có thể được thông qua trong thời gian ngắn nếu cần thiết.

EU hiện vẫn đang áp dụng thuế ưu đãi GSP 0% đối với các sản phẩm sắt thép có xuất xứ Việt Nam, trong khi áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sét thép Trung Quốc (65,1 – 73,7% đối với thép tấm nặng; 13,2 – 22,6% đối với thép cán nóng).

Như vậy, nếu như bị áp thuế khi xuất khẩu vào thị trường EU thì thép Việt sẽ thêm khó khăn. Trước đó, Mỹ đã áp dụng thuế nhập khẩu 25% đối với mặt hàng thép theo Mục 232 – Đạo luật Thương mại mở rộng cho các nước, miễn trừ Mexico và Canada.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, những động thái này chắc chắn sẽ gây ra khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam.

Theo đó, giải pháp căn bản nhất là các doanh nghiệp thép phải liên tục cải tiến công nghệ, nâng cao khả năng quản trị, sản xuất thì mới có thể tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải nâng cao sự hiểu biết về thương mại quốc tế, các quy định của WTO, luật pháp của các nước để tránh rủi ro thương mại.

Đồng thời, cần có sự phân bổ thị trường hợp lý, không nên chỉ tập trung vào một thị trường, tránh tình trạng sản lượng tăng đột biến là cái cớ để các nước dựng lên hàng rào thương mại.

Nguồn tin: TTXVN

HOTLINE