Tăng trưởng GDP Quý I/2018 vượt kỳ vọng: Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Tăng trưởng GDP Quý I/2018 vượt kỳ vọng: Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ


Mặc dù nhận định GDP quý I/2018 tăng trưởng cao hơn tiềm năng song các chuyên gia kinh tế vẫn tỏ ra lo ngại về sự thiếu bền vững khi một loạt nguy cơ đe dọa tăng trưởng vẫn đang là hiện hữu…

Tăng trưởng của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI

Tăng trưởng nhờ FDI ?

Đạt mức tăng trưởng GDP gần 7,4%, tăng 2,2% so với năm 2017, Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM), ông Nguyễn Ánh Dương nhận định tăng trưởng kinh tế quý I/2018 cao hơn so với tiềm năng và vượt hầu hết các mức kỳ vọng.

“Tuy nhiên, phân tích theo tính quy luật, cứ 2 năm thấp, 1 năm cao, tính trung bình 3 năm liên tiếp cho thấy tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, không có gì là đột biến. Chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện nhiều…” – ông Dương nhận định.

Vấn đề được nhiều người quan tâm là GDP quý I/2018 tăng trưởng cao do đâu?

Về thay đổi diễn biến mùa vụ, ông Dương cho rằng không xảy ra trong tương quan giữa quý I với các quý khác; Tương quan giữa tăng trưởng GDP và thuế – trợ cấp cũng không rõ ràng. Tiêu dùng trong quý I cũng có phần giảm nên không có đóng góp gì cho GDP. Cụ thể: chi ngân sách nhà nước tăng chậm (khoảng 1,8%); tín dụng tiêu dùng bị kiểm soát chặt chẽ hơn; cơ cấu tín dụng chuyển sang hỗ trợ cho đầu tư sản xuất (tín dụng trung – dài hạn tăng 4,3%); nhập khẩu một số mặt hàng giảm (ô tô nguyên chiếc…).

“Mức tăng trưởng được cải thiện chủ yếu nhờ cán cân thương mại và có thể do nhập khẩu đầu vào từ năm trước chưa sử dụng hết, nên cán cân thương mại thặng dư lớn…!” – Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô nhận định. Phân tích sâu hơn, chuyên gia này lưu ý, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra không đều. Ông dẫn chứng: Đến tháng 7/2017 Việt Nam vẫn thâm hụt thương mại 1,8 tỷ USD, đến tháng 8 mới thặng dư thương mại hơn 200 triệu USD nhờ vào xuất khẩu của khu vực FDI. Kéo theo đó, nếu nhìn góc độ từ quý I năm ngoái, tăng trưởng phù hợp nhiều hơn vào cán cân xuất nhập khẩu và tồn kho. “Rõ ràng, sản xuất khu vực FDI trong một số ngành lớn, quyết định đến tăng trưởng của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là tồn kho của khu vực FDI những ngành này sau một thời gian xuất khẩu giảm đi thì ảnh hưởng tới tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới không?” – ông Dương đặt vấn đề.

GS.TSKH Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng lưu ý: Cần phân biệt tăng trưởng đó do sản xuất đưa lại hay do đầu tư mà có để đánh giá chất lượng tăng trưởng.

Cải cách: Có chuyển biến nhưng chất lượng chưa được cải thiện

“Làm thế nào có động lực tăng trưởng cao hơn, tốt hơn, bền vững hơn? Cách thức tăng trưởng đã thay đổi chưa, đâu là động lực tăng trưởng… để năm 2018 là năm bình thường không phải là năm bất bình thường và tăng trưởng các quý sau, nhất là quý II ít nhất là đi ngang chứ không đi xuống…” – Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung trăn trở.

Theo ông, kết quả kinh tế 2017 và quý I/2018 cho thấy đã có chuyển biến về cải cách nhưng chất lượng cải cách vẫn chưa được cải thiện.

“Tăng trưởng quý I đạt kết quả nhưng thực chất là bao nhiêu và có thay đổi bản chất không, đã thay đổi cách thức tư duy, làm việc của bộ máy công quyền chưa? Nếu thay đổi, kết quả đó sẽ tích cực lên và bền vững, nếu không chỉ là nhất thời thôi…” – Viện trưởng CIEM phân tích.

Đề cập đến cuộc Cách mạng 4.0, TS Cũng thẳng thắn đặt câu hỏi: Chính phủ hiện nằm ở đâu? 1,5 hay 2? Theo ông, DN, đặc biệt DN tư nhân đã rất nhanh nhạy khi có nhiều hình thức kinh doanh mới, chuyển động mới, nhưng hình thức đó trong nông nghiệp, công nghiệp đã không thực hiện được hết tiềm năng của họ. “Thay đổi cơ cấu sản phẩm trong nông nghiệp thì không thể chuyển được tích tụ ruộng đất từ trồng lúa sang cây khác có năng suất cao hơn mà vẫn trồng lúa, dù thu nhập thấp. Chính sách điều chỉnh vẫn rất  chậm…” – ông Cung dẫn chứng.

Đồng tình khi cho rằng trong thời gian qua chúng ta đã bước đầu xử lý được một số bất lợi từ thị trường thế giới nhưng Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, ông Nguyễn Ánh Dương cho rằng vẫn chưa đủ thận trong trong điều hành giá hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý giá, như chưa thực sự dựa trên nền tảng cải thiện chất lượng hàng hóa và dịch vụ, tư duy và cách thức hơi hành chính về mục tiêu lạm phát. Từ đó dẫn tới lạm phát, chi phí sản xuất tăng nhanh hơn so với mức tăng giá trên thị trường thế giới.

Cùng với đó, điều hành tài khóa chưa chủ động hướng tới củng cố dư địa ứng phó với các cú sốc bất lợi. “Tương đối “nhanh” trong đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong khi cắt giảm chi thì không. Thay vì  chặt chẽ với xử lý gian lận thuế thì lại vội vàng trong đề xuất điều chỉnh chính sách thuế. Đầu năm mới dư thừa thanh khoản ngân hàng đã vội vàng phát hành trái phiếu Chính phủ. Tín dụng trung – dài hạn mới chớm tăng trong quý I có thể sẽ bị “chèn lấn”. Chưa kể cách thức tuyên truyền còn thiếu hợp lý…” – ông Dương dẫn chứng.

Nguồn: BPL

HOTLINE