Tập đoàn Cao su Việt Nam: “Đỏ mắt” tìm được nhà đầu tư chiến lược

Tập đoàn Cao su Việt Nam: “Đỏ mắt” tìm được nhà đầu tư chiến lược


Mặc dù đã lùi tiến độ cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sang năm 2018, nhưng cho đến nay Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) vẫn rất khó khăn trong việc tìm cho mình một nhà đầu tư chiến lược. 

Do sở hữu quỹ đất và tài sản lớn nên đến nay vẫn chưa tìm thấy nhà đầu tư chiến lược cho VRG

Phương án cổ phần hóa (CPH) Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) vừa được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Nhà nước sẽ bán ra 25% vốn điều lệ của VRG nhưng đặt ra một số điều kiện rất đặc biệt cho đợt bán cổ phần, như chỉ bán nhà đầu tư chiến lược trong nước, nhà đầu tư chiến lược chỉ được phép bán cổ phần sau 5 năm cổ phần hóa và Nhà nước được ưu tiên mua số cổ phần này.

Lùi IPO sang 2018

Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, VRG sẽ bán cổ phần lần đầu (IPO) tại công ty mẹ – tập đoàn với hình thức bán một phần vốn nhà nước hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Thời điểm IPO tuy chưa được quyết định cụ thể, nhưng nhiều khả năng sẽ diễn ra trong năm 2018.

Như trước PLVN đã thông tin, mục tiêu ban đầu mà Bộ NN&PTNT đặt ra là sẽ hoàn thành cổ phần hóa, bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) VRG trong quý III/2017. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, IPO của VRG đã không diễn ra theo đúng kế hoạch mà đã từng phải cho lùi sang quý IV/2017. 

 Thời điểm đó, lý do việc lùi thời gian IPO của Tập đoàn này được Bộ NN&PTNT giải thích là nhằm rà soát kỹ lưỡng để xử lý vấn về quỹ đất lớn phân bố ở nhiều địa bàn khác nhau có liên quan đến an ninh, quốc phòng, đồng thời có thời gian để kiểm toán đảm bảo bảo toàn được vốn Nhà nước khi cổ phần hóa doanh nghiệp này.  

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại VRG đang quản lý khoảng 420.000 ha cao su, trong đó, trong nước là 300.000 ha đang được khai thác cao su, còn 120.000 ha  là ở Lào và Campuchia. 

Chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược

Theo phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vừa được phê duyệt, vốn điều lệ của VRG sau cổ phần hóa là 40.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sở hữu 75%, bán đấu giá công khai 11,88%, bán cho nhà đầu tư chiến lược 11,88%, còn lại bán ưu đãi cho người lao động, tổ chức công đoàn.

Thủ tướng Chính phủ cũng ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt tiêu chí, quyết định và chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong nước (không bán cho nhà đầu tư nước ngoài) sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, bảo đảm nhà đầu tư cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Trong đó, bảo đảm điều kiện không chuyển nhượng cổ phần trong thời gian 5 năm, quy định rõ quyền ưu tiên của Nhà nước được mua cổ phần nếu nhà đầu tư chiến lược bán cổ phần sau 5 năm cổ phần hóa.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: VRG vừa có vốn lớn, vừa có diện tích đất đai rất lớn nên phương án sẽ cổ phần hóa công ty mẹ cùng với các công ty con. Theo Thứ trưởng Tuấn, do Nhà nước vẫn nắm giữ 75% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này nên về cơ bản sau cổ phần hóa vẫn là doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước vẫn nắm vai trò chi phối. 

Với 25% vốn xã hội hóa, ngoài phần ưu đãi bán cho người lao động, tổ chức công đoàn… còn lại sẽ  IPO. Trong đó, 11,88 % cổ phần sẽ được bán cho nhà đầu tư chiến lược nhưng không có yếu tố nước ngoài.  Theo Thứ trưởng Tuấn, vì cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược cũng chỉ 11,88 % nên có thể coi đây chỉ là bước một của tiến trình xã hội hóa tập đoàn này. 

“Lý do không bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại chủ yếu là do vấn đề đất đai. Đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có nhà đầu tư chiến lược nào đàm phán trực tiếp. Nhưng chúng tôi tin rằng làm minh bạch, công khai, đúng luật thì sẽ tìm được nhà đầu tư chiến lược”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định. 

Nguồn: BPL

HOTLINE