Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Thanh khoản thị trường sụt giảm khá mạnh so với các phiên trước, tổng khối lượng giao dịch trên HOSE và HNX đạt 300 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt 7.500 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.300 tỷ đồng.
Thị trường về cuối phiên giao dịch không còn duy trì được sự hưng phấn như trước. Đà tăng của hai chỉ số bị thu hẹp đáng kể và một số cổ phiếu không còn duy trì được sự tích cực. Các cổ phiếu như MSN, PVD, VIC, PLC… đều đã lùi xuống dưới mốc tham chiếu và ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư. Trong đó, MSN giảm 3.000 đồng (-3,49%) xuống 83.000 đồng/CP. PVD giảm 950 đồng (-4,14%) xuống 22.000 đồng/CP và khớp lệnh 5,9 triệu cổ phiếu.
Mặc dù vậy, nhìn chung cả hai chỉ số vẫn còn tăng điểm khá mạnh. Các cổ phiếu như BID, HDB, ROS, VJC, VRE… đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, các mã như VPB, SSI, MBB, CTG… đều tăng giá trên 5%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, FLC vẫn vững vàng ở mức giá trần và khớp lệnh lên đến 8,4 triệu cổ phiếu, trong khi dư mua giá trần hơn 11,2 triệu cổ phiếu. Tương tự, AMD cũng tăng kịch trần và có khối lượng khớp lệnh tăng đột biến lên 9 triệu cổ phiếu với lượng dư mua giá trần gần 5,2 triệu cổ phiếu.
Thanh khoản thị trường sụt giảm khá mạnh so với các phiên trước, tổng khối lượng giao dịch trên HOSE và HNX đạt 300 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt 7.500 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.300 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 28,95 điểm (2,78%) lên 1.040,55 điểm. Toàn sàn có 211 mã tăng, 52 mã giảm và 51 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 3,99 điểm (3,45%) lên 119,62 điểm. Toàn sàn có 126 mã tăng, 37 mã giảm và 180 mã đứng giá.
Thị trường về cuối phiên sáng vẫn giữ được sự tích cực, các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục duy trì được đà tăng rất mạnh. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán có được sự hồi phục mạnh mẽ nhất. Ở nhóm ngân hàng, BID và HDB được kéo lên mức giá trần. HDB khớp lệnh 2,58 triệu cổ phiếu, còn BID khớp lệnh 1,4 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, CTG, EIB, MBB, VCB, STB, SHB, VPB hay ACB cũng đều giữ được mức tăng giá mạnh.
Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, HCM và VND cũng được kéo lên mức giá trần. SSI tăng 2.000 đồng (6,41%) lên 33.200 đồng/CP và khớp lệnh được hơn 3,8 triệu cổ phiếu, SHS cũng tăng đến 1.200 đồng (6,03%) lên 21.100 đồng/CP và khớp lệnh 1,26 triệu cổ phiếu.
Ngoài ra, hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn khác trên thị trường là VRE, PLX, GAS, HPG, FPT, NTP… cũng đều tăng giá mạnh.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, FLC, AMD, AAA, HHS… đã đồng loạt tăng trần trong phiên sáng.
Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại ở thời điểm hiện tại là việc thanh khoản thị trường sụt giảm rất mạnh so với các phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch đạt 183,6 triệu cổ phiếu, trị giá gần 4.300 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm hơn 200 tỷ đồng.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 33,39 điểm (3,2%) lên 1.044,99 điểm. Toàn sàn có 211 mã tăng, 49 mã giảm và 63 mã đứng giá.
HNX-Index 4,46 điểm (3,86%) lên 120,1 điểm. Toàn sàn có 113 mã tăng, 33 mã giảm và 201 mã đứng giá.
UPCoM-Index tăng 1,78 điểm (3,24%) lên 56,73 điểm. Toàn sàn có 90 mã tăng, 22 mã giảm và 566 mã đứng giá. Các cổ phiếu vốn hóa lớn trên UPCoM cũng có được sự tích cực đáng kể. MSR và SDI được kéo lên mức giá trần. VIB tăng đến 2.900 đồng (10,78%) lên 29.800 đồng/CP. HVN và LPB tăng trên 10%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trước giờ giao dịch đón nhận thông tin tích cực về tình hình thị trường thế giới. Chứng khoán Mỹ quay đầu tăng mạnh trong phiên đầy biến động ngày thứ Ba, khi các chỉ số chính phục hồi từ phiên sụt giảm mạnh nhất trong 6 năm đối với Dow Jones và S&P 500.
Đây có lẽ là thông tin vui nhất đối với nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại. Và mở cửa phiên giao dịch ngày thứ 4, thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh mẽ. Các cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt bứt phá sau 2 phiên giảm ‘thê thảm’. Các mã như VRE, VPB, VJC, SSI, BID, HPG, KDC… đều tăng giá trên 4%. Trong đó, VPB đang tăng 2.600 đồng (5,26%) lên 52.000 đồng/CP. VJC tăng 8.900 đồng (5,17%) lên 181.000 đồng/CP.
Đà hồi phục cũng lan rộng đến hàng loạt các cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, FLC được kéo lên mức giá trần. Cặp đôi HAG và HNG đang bứt phá mạnh. HAG tăng 300 đồng (4,3%) lên 7.270 đồng/CP còn HNG tăng 170 đồng (2,37%) lên 7.350 đồng/CP. AAA được kéo lên mức giá trần.
Sau khoảng 30 phút giao dịch, VN-Index tăng 32,89 điểm (3,15%) lên 1.044,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 29,3 triệu cổ phiếu, trị giá 932,6 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 4,13 điểm (3,57%) lên 119,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,2 triệu cổ phiếu, trị giá 163 tỷ đồng.
SSI Retail Research cho rằng thị trường có thể sẽ hồi phục trong phiên giao dịch kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ hướng về vùng giá 1026 – 1048 điểm (đây là khoảng trống giảm giá được hình thành trong phiên giao dịch 06/02/2018). Đồng thời, theo hệ thống chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn, đồ thị giá đang rơi vào trạng thái quá bán cho nên đồ thị giá có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục ngắn hạn trong vài phiên tới và tạo cơ hội lướt sóng cho các nhà đầu tư ngắn hạn. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu giảm mạnh cho thấy điểm mua ngắn hạn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro cao và chỉ ưa thích cho các nhà đầu tư lướt sóng. Hệ thống chỉ báo xu hướng của SSI Retail Research vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và hạ mức kháng cự của hệ thống xuống mức 1104.98 điểm của chỉ số VN30 và 126.13 điểm của chỉ số HNX-Index. Do đó, SSI Retail Research khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế bán tháo ở vùng giá hiện tại. Đồng thời, đối với các nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao và chấp nhận rủi ro cao thì có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp. |
Nguồn: NDH