Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Thời gian qua, hoạt động thi hành án dân sự (THADS) liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã có chuyển biến tích cực, tác động trực tiếp đến việc thu hồi nợ xấu, giảm nợ xấu, đảm bảo cho hoạt động ngân hàng của hệ thống tổ chức tín dụng được an toàn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, kết quả thi hành án đạt được chưa như mong muốn khi tỷ lệ thi hành án còn thấp, số việc, số tiền phải thi hành án còn lớn, tiến độ thi hành án kéo dài.
Cục THADS TP Hà Nội tổ chức cưỡng chế thi hành án. Ảnh minh họa
Bên cạnh thuận lợi trong quá trình tổ chức thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là đa phần các nghĩa vụ thi hành án đều có tài sản bảo đảm, tuy nhiên các vấn đề liên quan tới tài sản bảo đảm lại chính là vướng mắc nổi cộm nhất trong thi hành án tín dụng, ngân hàng.
Cụ thể, một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên chưa xác định rõ ràng trong thứ tự xử lý tài sản bảo đảm, nhất là trong việc xử lý tài sản thế chấp của bên thứ ba; chưa phù hợp với nội dung của hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp. Một số trường hợp nội dung về tài sản bảo đảm trong bản án, quyết định của Tòa án tuyên không còn phù hợp với hiện trạng tài sản tại thời điểm tổ chức thi hành án.
Trong một số trường hợp, tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình nhưng khi thực hiện thế chấp không có ý kiến của tất cả các thành viên trong hộ gia đình nên khi cơ quan thi hành án xử lý tài sản thì phát sinh tranh chấp quyền sở hữu. Tài sản bảo đảm là bất động sản nhưng nằm trên một phần đất của người khác mà việc xử lý sẽ làm giảm đáng kể giá trị tài sản, tài sản bảo đảm là các dự án nhưng chưa được triển khai trên thực tế, tài sản của doanh nghiệp là các hạng mục trong một công trình nhưng thế chấp cho nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng… cũng là nhiều trường hợp gây khó khăn trong thực tế. Việc xử lý tài sản bảo đảm thuộc nhiều địa bàn khác nhau và thuộc thẩm quyền tổ chức thi hành án của các cơ quan THADS dẫn đến việc xử lý tài sản bị kéo dài.
Việc bán đấu giá thành tài sản đã khó nhưng việc giao tài sản cho người trúng đấu giá cũng gặp không ít khó khăn. Việc chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá cũng là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư không mặn mà với tài sản bán đấu giá trong thi hành án. Điều đó đồng nghĩa với việc các tổ chức tín dụng chậm được nhận tiền thi hành án mặc dù tài sản đã bán đấu giá thành. Như vậy, hiệu quả xử lý tài sản và thu hồi tiền cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng đạt thấp.
Nguyên nhân chính của thực trạng trên xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế, sự phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, các cơ quan liên quan chưa hiệu quả, đặc biệt là sự bất cập, chồng chéo, chưa rõ ràng của pháp luật có liên quan. Pháp luật hiện nay còn thiếu các quy định cụ thể về một số nội dung trong việc xác định tư cách của bên thứ ba thế chấp tài sản để bảo lãnh cho nghĩa vụ của người phải thi hành án; việc tính một khoản tiền thuê nhà đối với trường hợp kê biên xử lý tài sản bảo đảm của người thứ ba; việc hoãn hoặc tiếp tục xử lý tài sản bảo đảm có liên quan đến vụ án hình sự mà tài sản này không bị các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ quyền của người mua trúng đấu giá. Cùng với đó, quy định về xử lý tài sản hình thành trong tương lai hoặc xử lý tài sản bảo đảm là các dự án còn chưa rõ ràng.
Do vậy, thời gian tới cần tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật về THADS để tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả hoạt động THADS nói chung và thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng nói riêng, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời gian tới. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện các luật liên quan trực tiếp đến THADS như đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành Luật Đăng ký tài sản, Nghị định về giao dịch bảo đảm, tham gia hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập. Các cơ quan liên quan cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến thuế chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản bảo đảm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội.
Song song với đó, cần tổ chức thi hành hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động THADS như Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó chú trọng tới quy định liên quan đến tài sản bảo đảm nhằm áp dụng thống nhất các quy định liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm; Luật Đấu giá tài sản năm 2016 nhằm bảo đảm minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, hạn chế tình trạng thông đồng, dìm giá, trục lợi, kịp thời khơi thông những điểm nghẽn trong hoạt động đấu giá tài sản kê biên. Đặc biệt, chú trọng tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, nâng cao chất lượng công tác phối hợp liên ngành một số cơ quan liên quan như Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu thông tin về tài sản để xác minh thi hành án, giúp rút ngắn thời gian, đồng thời nâng cao hiệu quả thi hành án.
Nguồn: baophapluat