Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Một phần nền kinh tế của nhu cầu đang chuyển dịch thành nền kinh tế của những mong muốn: có được cầu thủ trẻ tài năng nhất, sở hữu bức tranh đắt giá nhất,… Trong điều kiện “tiền trong tay”, để đạt được những điều mong muốn, yếu tố giá khi đó lại trở thành thứ yếu.
2017 có thể là năm của những kỉ lục khi nhiều tài sản được giao dịch thành công ở mức giá cao chưa từng có – Ảnh: Tín Phùng.
Dưới nắng hè tháng 8.2017 vùng ngoại ô Paris, Alexandre Balades rảo bước nhưng không nói những câu chuyện nhà đất như thường lệ. Thay vào đó, trưởng bộ phận kiểm soát nội bộ của Foncia Group – tập đoàn bất động sản lớn nhất tại Pháp, lại dành một góc tâm trí cho Neymar, cầu thủ người Brazil mới chuyển về đội bóng thành phố.
Vốn chẳng lạ lẫm gì với cảnh nhà đất đắt đỏ tại Paris, nhưng Alexandre Balades vẫn không khỏi ngỡ ngàng vì mức giá chuyển nhượng dành cho Neymar. “Thật điên rồ!”, ông nói.
Để đưa tài năng trẻ người Brazil về Paris Saint-Germain, Nasser Al Khelaifi, chủ tịch đội bóng đã quyết định chi tới 222 triệu euro, gấp đôi kỉ lục chuyển nhượng trước đó. Tháp Eiffel, vốn được xem như biểu tượng của nước Pháp, thậm chí cũng đã đổi màu vì sự kiện có một không hai này.
Ở một lĩnh vực khác, Salvator Mundi, bức hoạ “Đấng cứu thế” vẽ Chúa Jesus, đã được nhà Christie’s bán thành công trong cuộc đấu giá diễn ra tại New York ngày 15.11.2017. Được cho là kiệt tác cuối cùng của danh hoạ Leonardo da Vinci, “Đấng cứu thế” trở thành bức tranh đắt giá nhất hành tinh, khi được bán ở mức giá 450 triệu đô la Mỹ.
Bitcoin đã tăng giá gấp 15 lần trong vòng 12 tháng, sau đó đột ngột mất đi 2/3 giá trị chỉ hai tháng sau đó – Nguồn: Coindesk.
Thị trường tài chính không nằm ngoài làn sóng tăng giá. Đồng tiền mã hoá bitcoin liên tục xô đổ mọi kỉ lục, khi tăng giá gấp 15 lần trong vòng vỏn vẹn 12 tháng. Forbes Asia thậm chí còn cho rằng: “2017 sẽ được nhớ đến như là năm của bitcoin”.
Bong bóng đang xuất hiện ở mọi nơi, từ thị trường tài chính, bất động sản cho đến thể thao và nghệ thuật. Nó được hình thành và nuôi dưỡng bởi ba yếu tố thịnh hành đương thời: thanh khoản dồi dào, toàn cầu hoá và nền kinh tế dẫn dắt bởi những mong muốn.
“Trực thăng chở đầy tiền”
Hình ảnh ưa thích của nhà kinh tế học Milton Friedman (1912-2006) mỗi khi đề cập đến chính sách tiền tệ siêu nới lỏng có thể tiếp tục được sử dụng trong bối cảnh hiện tại.
Bước ra từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, các ngân hàng trung ương quyền lực nhất trên thế giới đã thi hành hàng loạt biện pháp nới lỏng tiền tệ quy mô lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tránh khỏi cái kết như cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929-1933. Khởi xướng bởi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), mô hình nới lỏng định lượng (QE) sau đó được các ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Anh (BOE), Nhật Bản (BOJ) nhanh chóng áp dụng theo.
Các mức lãi suất chưa bao giờ thấp như hiện tại. ECB thậm chí còn đưa ra chính sách lãi suất âm, biện pháp nới lỏng tiền tệ phi chuẩn hiếm gặp. Thanh khoản hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng theo đó cũng trở nên dồi dào ở các nước phát triển, nơi mà nguồn vốn vẫn luôn là lợi thế không phải bàn cãi.
Tuy nhiên, yếu tố thuận lợi của điều kiện tài chính cũng đi kèm cùng rủi ro. Báo cáo viễn cảnh kinh tế toàn cầu 2018 của Ngân hàng Thế giới chỉ ra khoảng cách giữa tỉ lệ tăng giá tài sản và lãi suất đang dần được nới rộng. Lấy ví dụ trên thị trường chứng khoán Mỹ, giá tài sản, thể hiện qua chỉ số P/E, đang trở nên ngày càng “đắt đỏ”. Ngược lại, lãi suất dài hạn đang ngày càng giảm và xuống mức thấp lịch sử. Hai biến động ngược chiều trên khiến cho thị trường phải đối mặt với rủi ro xảy ra điều chỉnh mạnh trong thời gian sắp tới, Carlos Arteta – chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới nhận định trong một ghi chú.
Giá tài sản ngày càng tăng cao trong bối cảnh điều kiện tài chính nới lỏng – Nguồn: World Bank.
Toàn cầu hoá
Thanh khoản dồi dào của các nền kinh tế được tiếp sức bởi xu thế toàn cầu hoá không thể cưỡng lại, bao gồm sự dịch chuyển tự do của nguồn vốn. Tiền đến từ quốc gia dầu mỏ Qatar đã được dùng để đưa Neymar từ Barcelona về Paris Saint-Germain. Người mua đằng sau thương vụ đấu giá khủng bức kiệt tác Salvator Mundi chính là hoàng tử kế vị của Saudi Arabia, Mohammed ben Salmane.
Vốn “chạy” đi khắp mọi nơi, một cách có chủ đích. Áo đấu mới của Neymar sẽ được bán khắp thế giới. Chiêu mộ thành công tài năng trẻ người Brazil giúp cho đội bóng Paris nâng cao danh tiếng, thương hiệu, doanh thu từ bán vé và các hợp đồng quảng cáo. Tương tự, bức hoạ của Leonardo da Vinci được hoàng tử Saudi Arabia mua về nhằm hút khách tham quan đến với Trung Đông. Vài ngày sau cuộc đấu giá tranh, Louvre Abu Dhabi, một bảo tảng vừa mới khai trương tháng 11 năm ngoái ở Abu Dhabi, ra thông báo bức hoạ nổi tiếng sắp được trưng bày tại đây.
Từ nhu cầu đến mong muốn
Bitcoin rất ít được ứng dụng trong thanh toán thực, dù cho về bản chất đó là loại tiền mã hoá. Ứng dụng thanh toán đầu tiên của bitcoin là dùng để mua bánh pizza, nhưng tới nay nó thường được nhắc đến như câu chuyện gây cảm hứng nhiều hơn là khởi đầu cho một công cụ thanh toán thực sự.
Các chuyên gia kinh tế uy tín trên thế giới cũng chỉ dừng lại ở việc công nhận công nghệ đứng đằng sau bitcoin là blockchain, chứ bản thân đồng tiền mã hoá này không mang giá trị nội tại. Hoạt động dựa trên mạng lưới ngang hàng “peer to peer”, bitcoin không phụ thuộc vào bất kì chính phủ hay ngân hàng trung ương nào. Cũng vì thế mà bitcoin lại trở thành công cụ hoàn hảo để truyền tải ước muốn về một thế giới mới có được nhờ cuộc cách mạng số blockchain.
Một phần nền kinh tế của nhu cầu đang chuyển dịch thành nền kinh tế của những mong muốn: có được cầu thủ trẻ tài năng nhất, sở hữu bức tranh đắt giá nhất,… Trong điều kiện “tiền trong tay”, để đạt được những điều mong muốn, yếu tố giá khi đó lại trở thành thứ yếu.
Năm giai đoạn bong bóng tài chính theo Minsky
Đầu thế kỉ 17, lịch sử ghi nhận cơn sốt hoa tulip tại Hà Lan. Giá bán “củ” tulip trên sàn giao dịch tưởng như không có điểm dừng. Đỉnh điểm là giai đoạn 1636-1637. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, bong bóng này sụp đổ, hoa tulip chỉ còn 1% giá trị. Lợi nhuận ảo trên giấy tờ bị xoá sạch. “Tulipomania”, hội chứng hoa tulip, đã kết thúc nhanh chóng.
Cơn sốt hoa tulip Hà Lan là điển hình của một bong bóng đầu cơ, khi giá trị và giá bán hoàn toàn khác xa nhau.
Năm giai đoạn của một bong bóng tài sản theo lý thuyết bất ổn tài chính của Minsky.
Vòng đời của bong bóng tulip bắt đầu bằng sự chuyển đổi (khi các nhà đầu tư cảm thấy thích thú với bởi một hình mẫu mới), sau đó bùng nổ (giá tăng từ từ và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới), hưng phấn (giá tăng cao đến mức “điên rồ”), chốt lời (dòng tiền thông minh bắt đầu chuyển sang vị thế bán và thu lợi nhuận) và hoảng loạn (giá giảm mạnh, nhà đầu tư đua nhau rút khỏi thị trường, bán tháo để thu về thanh khoản ở bất kỳ mức giá nào). Đây cũng là năm giai đoạn mà bất kì bong bóng tài sản nào cũng trải qua, theo lý thuyết về bất ổn tài chính của nhà kinh tế học Hyman P. Minsky.
Như Minsky và nhiều chuyên gia khác công nhận, hiện tượng bong bóng đầu cơ ở một số tài sản là điều không thể tránh khỏi trong nền kinh tế thị trường. Điều quan trọng là nhận ra bong bóng đó đang ở giai đoạn nào và điều gì sẽ xảy ra kế tiếp.
Tại diễn đàn kinh tế thế giới vừa diễn ra tại Davos (Thuỵ Sĩ), nhà đầu tư huyền thoại George Soros phát biểu: “Bitcoin là một điển hình của bong bóng, luôn dựa trên sự thiếu hiểu biết giống như cơn sốt hoa tulip”. Bitcoin đang nằm trong giai đoạn thứ tư theo mô hình năm giai đoạn của Minsky, theo The Economist. Từ mức đỉnh trên 19.000 đô la Mỹ từng thiết lập cuối tháng 12 năm ngoái, nhưng chỉ hai tháng sau đồng tiền mã hoá đã mất đi 2/3 giá trị và hiện chỉ đang giao dịch quanh ngưỡng 6.000 đô la Mỹ một bitcoin.
Cùng ngày 05.02 khi giá bitcoin “tan chảy”, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng chìm trong sắc đỏ. Làn sóng bán tháo cổ phiếu bắt đầu từ Mỹ, đang lan rộng đến các thị trường tại châu Âu và châu Á. Hiện có hai bong bóng tài sản, bong bóng cổ phiếu và bong bóng trái phiếu, Alan Greenspan, cựu chủ tịch Fed nói với hãng tin Bloomberg đúng năm ngày trước khi đợt bán tháo diễn ra.
Nguồn: NDH