Thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp Vĩnh Phúc vượt kế hoạch

Thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp Vĩnh Phúc vượt kế hoạch


Theo Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Phúc, 10 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các KCN đã tăng 36% về vốn so với cùng kỳ năm 2016 và vượt 13% kế hoạch năm 2017. Điều này cho thấy sức hấp dẫn, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và các hoạt động xúc tiến đầu tư của Vĩnh Phúc thời gian qua phát huy hiệu quả…

Thực ra mốc vượt kế hoạch năm về thu hút FDI được Vĩnh Phúc xác lập cách đây 1 tháng khi đến hết tháng 9 tổng vốn đầu tư các dự án FDI vào các KCN đã tăng 35% cùng kỳ năm ngoái và đạt 104% kế hoạch năm.

Cuối tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Sumitomo đã tổ chức lễ khởi công xây dựng KCN Thăng Long – Vĩnh Phúc – KCN kiểu mẫu đã giúp cho môi trường đầu tư của tỉnh trở nên hấp dẫn hơn. Chỉ sau 2 tuần khởi công, KCN Thăng Long – Vĩnh Phúc đã có Cty TNHH Tsuchya TSCO đăng ký giữ chỗ đầu tiên và đang tiếp tục có nhiều nhà đầu tư từ Nhật Bản nghiên cứu, tìm hiểu về KCN này. 

KCN Thăng Long – Vĩnh Phúc dự kiến sẽ thu hút 80 dự án đầu tư

KCN Thăng Long- Vĩnh Phúc được xác định là một trong những trọng tâm trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích hơn 213 ha, tại xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là dự án đầu tư hạ tầng KCN thứ 3 của Tập đoàn Sumitomo tại Việt Nam, sau KCN Thăng Long I (Hà Nội) và Thăng Long II (Hưng Yên). KCN Thăng Long – Vĩnh Phúc sẽ cơ bản hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 và xử lý nước thải trong vòng 18 tháng kể từ khi được giao đất và hoàn thiện toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ vào tháng 12/2024. Dự kiến, khi hoàn thành và đi vào hoạt động, KCN Thăng Long – Vĩnh Phúc sẽ thu hút khoảng 80 dự án đầu tư thứ cấp từ Nhật Bản, tạo việc làm mới cho trên 25.000 lao động trong những ngành công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường, các dự án có công nghệ kỹ thuật cao như: sản xuất các loại động cơ; công nghiệp phụ trợ; sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy; sản xuất phụ kiện điện tử, linh kiện bán dẫn…  

Báo cáo của  Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tháng 10/2017, đã có 4 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 16,55 triệu USD; 3 lượt dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,62 triệu USD.

Tính chung, 10 tháng đầu năm, các KCN trên địa bàn Vĩnh Phúc đã thu hút được 28 dự án FDI mới và 30 lượt tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký 282,75 triệu USD, tăng 36% về vốn so với cùng kỳ năm 2016 và vượt 13% kế hoạch năm 2017. Đồng thời, thu hút 4 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1 dự án, tổng số vốn 473,11 tỷ đồng, bằng 54,2% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 30% kế hoạch năm. Tính đến hết tháng 10/2017 đã có 14 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN của Vĩnh Phúc. Đến nay, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 224 dự án, trong đó có 180 dự án FDI.

Đồng hành cùng các DN, trong tháng 10, Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp và làm việc với Nhà đầu tư Korea Inductrial Complex; thẩm định hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư của Cty TNHH Yoong Poong Vina; hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp vào KCN Thăng Long- Vĩnh Phúc ký biên bản thỏa thuận đăng ký thuê lại đất tại KCN này. 

Dự kiến tháng 11/2017, Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 1-2 dự án FDI, tổng vốn đăng ký khoảng 15-25 triệu USD và 1-2 dự án DDI, với số vốn khoảng 50-100 tỷ đồng. Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ DN triển khai dự án, phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ Tập đoàn Sumitomo trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng KCN Thăng Long – Vĩnh Phúc, hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục xin chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Sông Lô 1. Tiếp tục làm việc với chủ đầu tư KCN Thăng Long – Vĩnh Phúc về việc phát triển KCN Thăng Long 4 tại Vĩnh Phúc.

Chia sẻ bí quyết thu hút FDI, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng Vĩnh Phúc không chỉ thu hút các nhà đầu tư bằng các lợi thế về vị trí địa lý, tự nhiên, kinh tế – xã hội mà còn được nhà đầu tư đánh giá cao bởi phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân”, “Vĩnh Phúc – Thành công của DN chính là thành công và niềm tự hào của tỉnh”… 

“Môi trường đầu tư cởi mở, thân thiện, thực hiện cam kết rõ ràng giữa chính quyền và các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án là những điểm nhấn quan trọng, khẳng định uy tín của địa phương và tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong các nhà đầu tư FDI…”-  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định. 

Hỗ trợ giá thuê hạ tầng đối với các nhà đầu tư thứ cấp tại Vĩnh Phúc

Nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, không phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, ngày 03/10/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định 36/2017/QĐ-UBND về hỗ trợ giá thuê hạ tầng đối với các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất trong các KCN được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách theo Nghị quyết  57/2016 của HĐND tỉnh về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh. Quyết định này đã có hiệu lực từ ngày 13/10/2017.

Theo đó, danh mục các dự án được hưởng hỗ trợ, mức hỗ trợ và nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ gồm: Ô tô, xe máy, cơ khí chính xác, công nghiệp điện tử, viễn thông và công nghiệp hỗ trợ phục vụ các lĩnh vực nêu trên, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh; các dự án thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích đầu tư phát triển theo Quyết định 66/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ; các dự án dịch vụ phục vụ nhà đầu tư trong KCN (logistics, kho vận, kiểm toán, hải quan, thuế, bảo hiểm); các dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ.

Quyết định cũng nêu rõ việc hỗ trợ đối với các dự án quan trọng có ý nghĩa lớn về KT-XH, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh do Thường trực Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh xem xét, chấp thuận đầu tư, đáp ứng một trong các điều kiện sau: dự án có quy mô vốn đầu tư lần đầu từ 50 triệu USD hoặc 1.200 tỷ VND trở lên; dự án có đóng góp cho ngân sách của tỉnh (thu nội địa) từ 50 tỷ đồng trở lên/năm; dự án của các tập đoàn có thương hiệu toàn cầu, có uy tín và nhà đầu tư cam kết vận động, thu hút đầu tư thêm các dự án thuộc lĩnh vực hỗ trợ phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh chấp thuận.

Nhà đầu tư được hỗ trợ theo Quyết định này chỉ được hỗ trợ một lần sau khi dự án đã đi vào hoạt động và có phát sinh doanh thu của các ngành nghề, lĩnh vực quy định tại Quyết định này đối với dự án đầu tư mới hoặc hoàn thành xong việc đầu tư xây dựng trên diện tích đất mở rộng trong KCN đối với dự án đầu tư mở rộng theo đúng tiến độ ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư.

Mức hỗ trợ 10% giá thuê hạ tầng KCN (chưa có VAT) đối với dự án đầu tư mới và 12% giá thuê hạ tầng KCN (chưa có VAT) đối với dự án đầu tư mở rộng, nhưng tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án; chỉ hỗ trợ đối với các dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2020.

Nguồn: baophapluat

HOTLINE