Thủ tướng: Chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công

Thủ tướng: Chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công


“Tôi xin nêu một ví dụ mới nhất, đó là trường hợp bán nhà công sản cho Vũ  “nhôm” diễn ra ở TP. Đà Nẵng. Nhà nước được cái gì?”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, phải chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công. – Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sáng nay, 8/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2018.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

Phát biểu tại Hội nghị, đánh giá cao những thành tích của ngành tài chính đã đạt được, Thủ tướng cho rằng, tinh thần làm việc từ lãnh đạo Bộ đến các cơ quan trực thuộc đã có nhiều cố gắng, “rất lo lắng đến nhiệm vụ được giao”. “Hình ảnh đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Cục trưởng…, cùng các đồng chí Bí thư, Chủ tịch nhiều địa phương lăn lộn để tìm nguồn thu, đốc thu ở các địa phương, từng địa bàn, từng cơ sở, đã gây ấn tượng mạnh mẽ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Có doanh nghiệp bị oan sai do sự thay đổi chính sách quá nhanh

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, trách nhiệm của ngành rất nặng nề, còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục thời gian tới.

Chính sách tài chính cần chủ động để khắc phục những khiếm khuyết của một nền kinh tế bước đầu vào kinh tế thị trường. Bộ Tài chính không chỉ là bộ quản lý tiền bạc, mà chính sách, công cụ tài chính phải thúc đẩy sự phát triển, chống tham nhũng, lãng phí.

Là kênh tham mưu quan trọng về tài chính quốc gia, ngành cần đề xuất các chính sách tài chính để thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết 01 của Chính phủ. Nghiên cứu các chính sách kinh tế mà một số nước đã làm thành công để làm sao Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và bền vững hơn thông qua chính sách tài chính quốc gia. Đây là câu hỏi lớn mà Thủ tướng đặt ra cho các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành nghiên cứu cùng cơ quan chức năng để làm tốt.

Thủ tướng nêu tiếp thực trạng, chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế thay đổi quá nhanh và quá nhiều, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đều bị mắc lỗi khi được thanh tra, kiểm tra thuế. Có doanh nghiệp lỗi nhiều, có doanh nghiệp lỗi ít. Rõ ràng có doanh nghiệp cố tình vi phạm nhưng cũng có doanh nghiệp bị oan sai do sự thay đổi chính sách quá nhanh, là lỗi từ phía cơ quan nhà nước.

Những thay đổi nhanh như thế chứng tỏ việc xây dựng chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội, chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sắc thực tế đời sống, thiếu phản biện, lắng nghe. Thủ tướng nhấn mạnh, cần khắc phục vấn đề này. Chính sách thuế nói riêng và chính sách tài chính nói chung phải theo kịp sự phát triển kinh tế của đất nước, phải có sự ổn định tương đối dài, từ 5 – 10 năm.

Chính sách thuế hiện vẫn tư duy theo quan điểm có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà chưa hướng đến quan điểm bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Xuyên suốt các luật thuế thì quyền của cơ quan quản lý nhà nước rất lớn với việc cấp mã số thuế, kiểm tra, thanh tra, cưỡng chế, phong tỏa tài khoản, đình chỉ sử dụng hóa đơn, xử lý hành vi vi phạm, thậm chí chuyển cơ quan điều tra… nhưng quyền của người nộp thuế, chủ yếu là doanh nghiệp và người dân còn rất ít.

Thủ tướng nhấn mạnh, chính sách thuế luôn được giải thích theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước còn doanh nghiệp và người dân có kêu oan cũng bị áp đặt là vi phạm. Nói chung, quyền lợi của người nộp thuế ít được quan tâm bảo vệ. Đây là vấn đề lớn mà toàn ngành thuế phải tập trung thảo luận. Việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. – Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phải có chính sách đối với các “mỏ vàng”

Một vấn đề nữa, theo Thủ tướng, định hướng cơ chế về thu ngân sách nhà nước hiện nay vẫn tư duy theo hướng coi trọng việc tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế. Trong khi đó, cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử… mà cụ thể là các loại hình Uber, Grab, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng Facebook….

Đây là những “mỏ vàng” để mở rộng cơ sở thuế nhưng chúng ta chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, lúng túng trong hoạch định chính sách để quản lý và khai thác các nguồn thu này. Do vậy, quan điểm chủ đạo là phải coi trọng việc mở rộng cơ sở thuế kết hợp với việc điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp, không gây ảnh hưởng đến thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì chính sách tài chính, chính sách thuế còn chậm, các quy định về chính sách thuế chưa theo kịp, chưa tương thích với quy định của OECD, Liên Hợp Quốc, UNDP nên các hoạt động chuyển nhượng gián tiếp ngoài Việt Nam giữa các tập đoàn nước ngoài như chuyển nhượng vốn, cổ phần, chuyển giao tài sản vô hình… thường không thu được thuế hoặc có thu thì cũng xảy ra tranh chấp quốc tế.

Rõ ràng các hoạt động trên thuộc quyền đánh thuế của Việt Nam nhưng chính sách của chúng ta chưa theo kịp quá trình hội nhập nên đã nhường quyền đánh thuế cho người khác hoặc phải theo các vụ kiện cáo của các tập đoàn nước ngoài. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải rà soát lại các quy định về chính sách thuế hiện hành, so sánh, đối chiếu với các quy định, chuẩn mực của OECD, Liên Hợp Quốc để hoàn thiện các luật thuế bổ sung, sửa đổi lần này phải theo kịp, tương thích với quy định quốc tế.

Nguồn: BPL

HOTLINE