Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về logistics sáng 16/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chi phí logistics ở Việt Nam còn cao, thậm chí rất cao. Việc này khiến DN Việt Nam giảm sức cạnh tranh, là rào cản phát triển KT-XH…
Thủ tướng chỉ đạo nhiều giải pháp giảm chi phí logistics. Ảnh: VGP
Chi phí logistics cao, cạnh tranh thấp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò quan trọng của ngành logistics trong tổng thể nền kinh tế Việt nam; là một trong 12 nhóm ngành kinh tế được cộng đồng ASEAN ưu tiên phát triển. Tại Việt Nam, lĩnh vực này có trị giá hàng tỷ USD. “Nếu DN Việt Nam không biết tận dụng cơ hội thì DN ngoài nước sẽ làm. Một thực tế hiện nay là nước ta chưa có DN mạnh về logistics”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nhận định, chi phí logistics ở nước ta còn cao, thậm chí rất cao. “Xe vận tải hàng hóa có đến 40 -50% xe quay đầu về đều là xe rỗng, không có hàng hóa gì thì sao chi chí không cao cho được”, Thủ tướng phân tích.
Thủ tướng nhấn mạnh, chi phí đang là gánh nặng của DN logistics Việt Nam. Từ đó sức cạnh tranh của DN Việt Nam giảm sút, ảnh hưởng đến sự phát triển chung kinh tế cả nước. Do đó, Thủ tướng đề nghị các Bộ ngành liên quan, các DN cùng bàn bạc, từng bước giảm chi phí logistics.
“Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ, một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”, Thủ tướng trích lời một trong những người thành lập nước Hoa Kỳ để nói về sự cần thiết phải giảm chi phí logistics. “Nếu chi phí logistics lớn sẽ khiến cạnh tranh của chúng ta xuống thấp”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng hiện nay 90% hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ, các loại hình vận tải khác chỉ chiếm 10%, trong khi chi phí vận tải đường bộ đang ở mức cao là điều đáng phải bàn vì nó phản ánh bức tranh vận tải rời rạc, thiếu liên kết, làm tăng chi phí.
Từ thực tế trên, người đứng đầu Chính phủ đề xuất 4 giải phải để giảm chi phí logistics. Thứ nhất, giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa; thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 khoảng 54,4%; đường sắt 4,3%; đường thủy nội địa 32,4%.
Thứ hai, mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các cảng nước láng giềng. Xây dựng giao thông, kho bãi, trung tâm logistics trên các tuyến đường, hành lang kết nối các cảng của Việt Nam với Lào, Thái Lan, Trung Quốc…
Thứ ba, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị bốc xếp và hệ thống kho bãi đáp ứng yêu cầu của vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.
Thứ tư, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải, tăng lưu thông lượng hàng hóa vận chuyển đường biển. Điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển theo hướng tập chung phát triển kinh tế vùng. Nâng cao chất lượng dịch vụ đội tàu Việt Nam.
Sẽ đầu tư phát triển đường biển
Phát biểu tại Hội nghị, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW cho rằng, chi phí cho logistics ở Việt Nam đang cao, nhưng vấn đề tại sao cao lại chưa được cắt nghĩa đầy đủ. “Tôi được biết là đầu tư vào đường bộ chiếm 90% trong tổng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trong khi đó, logistics đường bộ lại có chi phí rất cao. Vậy, cách đầu tư ấy liệu đã đúng chưa?”, ông Cung đặt vấn đề.
Ông cũng cho rằng, về thể chế, Chính phủ cần cương quyết loại bỏ thêm nhiều điều kiện kinh doanh vô lí, bất lợi trong logistics và vận tải. Ngoài ra, việc kết nối hạ tầng cũng cần được những người thực hiện chính sách quan tâm hơn. “Đường được thiết kế 20 tấn, cầu có 10 tấn thì kết nối làm sao được. DN buộc phải vi phạm để lưu thông hàng hóa. Từ đó nảy sinh chi phí ngoài, nảy sinh tiêu cực”, ông Cung nói.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả logistics năm 2016, Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành dịch vụ logistics Việt Nam khoảng 14-16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và bền vững ở Việt Nam trong thời gian qua. Cũng theo WB, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận, dù logistics là ngành kinh tế quan trọng nhưng thời gian qua chưa được Bộ quan tâm đúng mức, dẫn đến việc ngành này phát triển chưa tương xứng và bộc lộ nhiều nhược điểm.
Trước thực tế loại hình vận tải biển năng lực lớn, giá rẻ nhưng lại chưa được DN sử dụng nhiều, ông Thể cho biết thời gian tới sẽ đầu tư, phát triển mạnh hơn hệ thống giao thông đường biển. “Biển chúng ta mênh mông, nhưng chưa được tổ chức vận tải tốt. Thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu, đầu tư để phát huy hiệu quả kinh tế đường biển”, “tư lệnh” ngành giao thông cho biết.
DN vận tải gánh nhiều chi phí không chính thức
Theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, nguyên nhân chi phí đối với vận tải đường bộ quá cao là do DN vận tải bị nhiều rào cản làm chi phí tăng cao. Phải gánh nhiều chi phí chính thức và không chính thức cao, bao gồm phí qua các trạm BOT không hợp lý; phí chi trả cho CSHT tại các vùng biên giới khi tham gia vận tải hàng hóa qua biên giới; chi phí thời gian, công sức, tiền bạc làm các thủ tục xin giấy phép vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng quá cao, bất hợp lý và có nhiều tiêu cực. Hệ thống CSHT chưa đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa. Ngoài ra, các trung tâm hàng hóa còn bấp cập nên xảy ra trường hợp xe chạy rỗng (không có hàng) rất cao, làm đội giá vận tải.
Nguồn: BPL