Thương vụ Grab thâu tóm Uber: Chuyên gia pháp lý nói gì?

Thương vụ Grab thâu tóm Uber: Chuyên gia pháp lý nói gì?


Việc Grab tuyên bố mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á đang có những ý kiến khác nhau về có hay không dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Dưới góc độ pháp lý, các chuyên gia đã nói gì? 

Thương vụ thâu tóm này có vi phạm Luật Cạnh tranh? Ảnh cafenew.vn

Yêu cầu cung cấp thông tin vụ sáp nhập

Ngày 26/3 vừa qua, ứng dụng đặt xe Grab chính thức phát đi thông báo cho biết hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á. Thương vụ Uber bất ngờ sáp nhập vào Grab được cho là sẽ giảm đi tính cạnh tranh bằng việc bạo chi ngân sách, thay vào đó là hướng tới mục tiêu lợi nhuận. Nhiều người dự đoán các chiến dịch khuyến mại khủng, giá cước rẻ sẽ biến mất.

Một ngày sau tuyên bố của Grab, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có văn bản yêu cầu Grab cung cấp thông tin để làm rõ thương vụ này. Theo đó, trên nguyên tắc để hoàn thành thương vụ ở thị trường Đông Nam Á, Grab và Uber phải xin phép cơ quan cạnh tranh của các nước tại Đông Nam Á có quy định này.

Văn bản cũng nêu rõ để có căn cứ xem xét, đánh giá việc mua lại theo quy định của pháp luật cạnh tranh, Cục yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ mua lại nêu trên, hợp đồng Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á. Thời hạn cuối cùng để cung cấp thông tin là trước ngày 3/4 (Cục đã phải “nhắc” Grab về việc chậm nộp tài liệu này).

Trao đổi với báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Luật BASICO cho rằng, không có cơ sở khẳng định việc Uber sáp nhập vào Grab vi phạm Luật Cạnh tranh.

Ông Đức phân tích: “Thứ nhất, việc sáp nhập là 2 doanh nghiệp ở nước ngoài, còn Grab Việt Nam là pháp nhân Việt Nam độc lập, chỉ có 49% vốn của Grab nước ngoài. Do đó, việc xem xét xác định thị phần thế nào là chưa rõ.

Thứ hai, cơ quan chức năng chưa xác định rõ Uber, Grab là kinh doanh taxi hay kinh doanh dịch vụ công nghệ, nên chưa đủ cơ sở khẳng định thị phần kinh doanh taxi thế nào. Ít nhất cũng phải tách bạch được phần liên kết với các hãng taxi và phần còn lại (nếu có).

Thứ ba, kể cả trường hợp đã xác định rõ, 2 hãng này là kinh doanh taxi và xác định được thị phần liên quan thì cũng còn phải xác định tiếp là tính quy mô doanh thu trên toàn bộ 100% hay chỉ trên 20% doanh thu, là phần mà họ được hưởng và phải nộp thuế (80% còn lại là thuộc về các hãng taxi và tổ chức, cá nhân khác có đăng ký kinh doanh vận tải).

Thứ tư, tính thị phần riêng loại taxi công nghệ hay tính toàn bộ thị trường taxi. Theo tôi, phải tính toàn bộ, vì hoàn toàn cạnh tranh và thay thế nhau, trong đó có thể coi taxi công nghệ chỉ như là một phân khúc thị trường hay một dòng sản phẩm”.

Vi phạm pháp luật cạnh tranh?

Tuy nhiên, TS Trần Thị Quang Hồng (Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp) cho rằng, việc kiểm soát cạnh tranh trong vụ việc này xuất phát từ yêu cầu kiểm soát tập trung kinh tế. Theo bà Hồng, trong Luật Cạnh tranh 2004, hành vi này được quy định từ Điều 16 đến Điều 24 phần về tập trung kinh tế. Theo đó, việc tập trung dẫn đến thị phần kết hợp của từ 30% thị phần trở lên phải thông báo và nếu từ trên 50% thị phần sẽ bị cấm thực hiện. Việc sáp nhập Uber vào Grab chính là sáp nhập giữa hai đối thủ cạnh tranh và do vậy, thuộc phạm vi kiểm soát của Luật Cạnh tranh. Để xác định thị phần kết hợp của Uber và Grab có thuộc ngưỡng phải thông báo hay bị cấm không phải xem xét thị phần kết hợp của hai doanh nghiệp này trên thị trường liên quan, cụ thể là thị trường địa lý và thị trường sản phẩm. 

Bà Hồng lý giải: “Thị trường địa lý trong trường hợp này ít gây tranh cãi vì chỉ cần dựa vào khu vực có sự hiện diện của Grab và Uber. Việc xác định thị trường sản phẩm có thể phức tạp hơn vì đang có những tranh cãi liệu Grab và Uber có phải dịch vụ taxi hay dịch vụ môi giới vận chuyển. Nếu là dịch vụ taxi, thị phần Grab và Uber có thể còn khiêm tốn vì các hãng taxi truyền thống vẫn có thị phần đáng kể. Nhưng nếu được xác định là dịch vụ môi giới vận chuyển thì tỷ trọng của Uber và Grab trên thị trường này rất lớn. Như vậy, có thể hiểu được vì sao phải đặt ra vấn đề kiểm soát việc Grab mua Uber”.

Trước ý kiến cho rằng việc mua bán không diễn ra ở Việt Nam nên không thuộc thẩm quyền của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, bà Hồng cho biết: Không giống như các quan hệ hợp đồng khác, thẩm quyền tài phán đối với các vụ việc tập trung kinh tế không phụ thuộc vào lãnh thổ ký kết và thực hiện hợp đồng và cũng không phụ thuộc vào sự lựa chọn của các bên trong hợp đồng. Bất kể các bên mua bán, sáp nhập ở đâu, nếu họ có doanh thu đáng kể ở một quốc gia thì quốc gia đó vẫn có thẩm quyền xem xét vụ việc sáp nhập đó theo pháp luật cạnh tranh nước mình. Đây là thẩm quyền tài phán ngoài lãnh thổ – một trong những thẩm quyền đặc trưng của Luật Cạnh tranh. Chính vì thẩm quyền đặc trưng này mà một vụ việc mua bán, sáp nhập có thể sẽ phải xin phép ở nhiều quốc gia và chỉ cần một quốc gia không chấp thuận, vụ việc mua bán, sáp nhập đó sẽ không thể thực hiện được.

Bà Hồng khẳng định, Uber và Grab với những động thái nhanh chóng sáp nhập sau khi ký thỏa thuận và bỏ qua những thủ tục pháp lý cần thiết rõ ràng đã vi phạm pháp luật cạnh tranh. Vì vậy, việc cơ quan quản lý cạnh tranh yêu cầu doanh nghiệp này báo cáo là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Đây cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh các doanh nghiệp về ý thức tuân thủ pháp luật cạnh tranh – một đạo luật được nhiều quốc gia coi như “Hiến pháp” của quyền tự do kinh doanh.

Trước thông tin Grab công bố việc Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường  Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) đã gửi Công văn số 190/CT-TKT đề nghị Công ty TNHH GrabTaxi (GrabTaxi) cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc mua lại nêu trên.

Công bố của Grab cho thấy, Grab sẽ tiếp nhận mảng dịch vụ chia sẻ xe (ridesharing) và vận chuyển thực phẩm trong khu vực Đông Nam Á vào hệ thống vận tải đa phương tiện và nền tảng công nghệ của Grab (multi-modal transportation and fintech platform). Đổi lại, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab.

Sự việc sáp nhập của 2 ông lớn taxi công nghệ này đã buộc Cục CT&BVNTD vào cuộc. Đại diện Cục CT&BVNTD cho biết, sau khi gửi văn bản đến Grab, ngày 05 tháng 4 năm 2018, Cục đã nhận được văn bản trả lời của Grab. Theo đó, GrabTaxi cho rằng thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam được xác định thấp hơn 30%. Do đó, Grab hiểu rằng các bên tham gia giao dịch không phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất giao dịch tại Việt Nam.

 Sau đó một ngày, Cục CT&BVNTD đã có buổi làm việc với đại diện hợp pháp của GrabTaxi. Tại buổi làm việc, GrabTaxi chưa đưa ra được các căn cứ cụ thể để chứng minh cho nhận định của mình về thị phần trên thị trường liên quan nêu tại văn bản của GrabTaxi. Do vậy, Cục CT&BVNTD đã khuyến nghị Công ty cung cấp các căn cứ này, đồng thời đánh giá kỹ thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh trước khi tiến hành giao dịch trên thị trường Việt Nam.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện. Đại diện Cục CT&BVNTD cho biết, Cục đã thông báo cụ thể  về quy định tập trung kinh tế tại Việt Nam với Grab để Grab cân nhắc.

Trước đó, việc Uber sáp nhập vào Grab ở thị trường Đông Nam Á đã bị các cơ quan có thẩm quyền liên quan ở Singapore và Philippines yêu cầu “dừng sáp nhập”. Và 2 doanh nghiệp này cũng đồng ý hoãn việc sáp nhập cho tới ngày 15/4/2018. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động taxi, xe ôm công nghệ dưới màu áo Uber đã chính thức dừng hoạt động bắt đầu từ ngày chủ nhật (8/4/2018). Nhưng, sự việc này có vi phạm Luật Cạnh tranh tại Việt Nam hay không vẫn phải chờ Grab đưa ra các giải trình để chứng minh việc sáp nhập này không chiếm quá 30% thị phần tại Việt Nam. 

Nguồn: BPL

HOTLINE