Tiếp tục thu hút, huy động các nguồn lực tham gia phổ biến pháp luật

Tiếp tục thu hút, huy động các nguồn lực tham gia phổ biến pháp luật


Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị phiên chất vấn,  Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua đã áp dụng nhiều giải pháp để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL). Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp đó đã trực tiếp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống.

Ảnh minh họa

Đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế, Bộ Tư pháp cho biết, đến nay đã có đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật PBGDPL (gồm 02 nghị định của Chính phủ; 03 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 01 thông tư liên tịch; 04 thông tư). Đã trình ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án, Kế hoạch trung hạn, dài hạn và hàng năm về PBGDPL để tập trung nguồn lực với nhiều giải pháp đột phá nhằm tăng cường PBGDPL tại một số địa bàn, lĩnh vực, đối tượng đặc thù.

Hàng năm, ban hành các Kế hoạch triển khai, hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến, phối hợp biên soạn tài liệu về các luật, pháp lệnh, văn bản mới được ban hành; chỉnh lý, biên soạn mới giáo trình, tài liệu, sách tham khảo phục vụ việc dạy và học pháp luật trong nhà trường; đề xuất về trách nhiệm của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đối với việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ có liên quan trong công  tác PBGDPL.

Tham mưu các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; đề ra các giải pháp tăng cường phối hợp, lồng ghép qua ký kết, thực hiện các chương trình phối hợp. Đề xuất và thực hiện các giải pháp thông tin về pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam bảo đảm thường xuyên, liên tục, thiết thực, hiệu quả; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật PBGDPL năm 2012.

Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã tham mưu nhiều giải pháp tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực và điều kiện đặc thù, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL. Nội dung PBGDPL được đổi mới, sát nhu cầu xã hội. Hình thức PBGDPL được đa dạng hóa, sát với nội dung, đối tượng, địa bàn gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều hình thức mới được áp dụng có sức lan tỏa lớn và rất hiệu quả như: biên soạn, phát hành bài giảng điện tử; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, sân khấu hóa; viết về gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thi hành pháp luật; bước đầu ứng dụng facebook, youtube… để PBGDPL. 

Công tác PBGDPL trong nhà trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được chú trọng hơn; Chuyên trang, chuyên mục pháp luật trên báo chí tăng về số lượng, cách trình bày hấp dẫn; Mô hình tủ sách pháp luật có bước phát triển mới, đa dạng, phong phú hơn; đã đề xuất giải pháp củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất và huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL theo chủ trương xã hội hóa; Kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL được quan tâm hơn, nhất là tại cấp huyện và xã; có 39 địa phương đã ban hành quy định về kinh phí bảo đảm cho PBGDPL, một số tỉnh kinh phí cấp hàng năm tăng so với trước khi có Luật. Hoạt động xã hội hóa bước đầu thu hút được sự tài trợ qua giải thưởng, hỗ trợ cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Ưu tiên cho các địa bàn đặc thù

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiệu quả công tác PBGDPL chưa rõ nét, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt trong ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; thiếu thường xuyên, liên tục và rộng khắp; có nơi chưa khắc phục được tính hình thức, phong trào; Cách thức tuyên truyền, PBGDPL còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; Công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù chưa được quan tâm đúng mức; việc xã hội hóa chưa đạt nhiều kết quả cụ thể.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp xác định sẽ tiếp tục quán triệt đầy đủ, thi hành nghiêm túc Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn để nâng cao nhận thức của các chủ thể về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, PBGDPL trong thực thi pháp luật; xác định rõ trách nhiệm pháp lý của cơ quan, tổ chức trong triển khai thực hiện, để công tác này thực sự là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của từng cán bộ, là trách nhiệm của mỗi người dân nhằm phát huy đầy đủ nhất tinh thần tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân. 

Tiếp tục trình ban hành, tổ chức thực hiện hiệu quả các Đề án, Kế hoạch về PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm để thúc đẩy công tác PBGDPL tại địa bàn đặc thù;  Hướng dẫn, triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến luật, pháp lệnh, chính sách mới ban hành, bảo đảm thường xuyên, liên tục, rộng khắp sát với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; kịp thời hướng dẫn, định hướng chủ đề, nội dung, hình thức tổ chức hoạt động triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam hàng năm.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ làm công tác PBGDPL, chú trọng xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; bảo đảm kinh phí cho công tác PBGDPL; thu hút, huy động các nguồn lực khác thông qua việc thực hiện quy định của Luật PBGDPL về xã hội hóa công tác PBGDPL.

Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với trình ban hành, triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2018-2021; cập nhật, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Bộ Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Nguồn: BPL​ 

HOTLINE