Tìm giải pháp để doanh nghiệp tư nhân thực sự lớn

Tìm giải pháp để doanh nghiệp tư nhân thực sự lớn


Theo Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, doanh nghệp tư nhân (DNTN) Việt Nam từ chỗ chưa có danh bắt đầu chính danh rụt rè và giờ được chính danh. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất với DNTN hiện nay là làm thế nào để khu vực này thực sự trở thành động lực? Làm thế nào để DNTN thực sự lớn?

Ảnh minh họa: Doanh nghiệp quy mô đầu tư bé, hiệu quả kinh doanh thấp, tuy nhiên khả năng tránh được các đoàn thanh tra, kiểm tra

Vấn đề được nêu lên tại Diễn đàn doanh nghiệp 2017 với chủ đề “Kiến tạo môi trường cho DNTN phát triển”do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều 26/10.

Doanh nghiệp không muốn lớn

Trưởng Ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, hiện nay có hơn 600 ngàn DNTN đang hoạt động, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 1 triệu DNTN. Hầu hết đều là các DN trẻ thành lập từ năm 2000 trở lại đây và khá lớn là DN siêu siêu nhỏ. Phần lớn DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đến xây dựng, công nghiệp.

Khảo sát cho thấy, các DN gặp khó khăn ở các phương diện: Khách hàng, thị trường; Tiếp cận vốn vay; Lao động và chất lượng lao động; Thanh tra, kiểm tra; Tiếp cận đất đai; Vấn đề chi phí không chính thức…

Khảo sát cũng cho thấy, với DN quy mô đầu tư bé thì hiệu quả kinh doanh càng thấp. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là nhiều DNTN vẫn khá lạc quan với 48% DN có xu hướng mở rộng quy mô công khai. Với khó khăn về khách hàng, thị trường khảo sát cho thấy mức độ hội nhập kết nối của DNTN vào chuỗi toàn cầu rất là thấp.

Về tiếp cận vốn vay, DN càng lớn càng có khả năng tiếp cận vốn và ngược lại DN càng bé thì khả năng tiếp cận vốn càng thấp. Về lao động và chất lượng lao động, chủ yếu lao động có chất lượng chưa cao.

Về thủ tục hành chính, thuế, phí, lệ phí, đất đai, quản lý thị trường….vẫn là những khó khăn của DNTN. Về thanh tra, kiểm tra, các DN lớn thanh kiểm tra càng nhiều hơn DN bé .“Đây cho thấy nhiều DN càng không muốn lớn, càng lớn càng rủi ro, càng tốn chi phí” – ông Đậu Anh Tuấn nói.

Khảo sát cũng cho thấy, việc tiếp cận đất đai của DNTN cũng còn khó khăn. 65% gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính đất đai, không chỉ giá đất cao, giải phóng mặt bằng… Vấn đề chi phí không chính thức, ông Tuấn cho biết, việc chi trả chi phí này khá phổ biến và tồn tại ở cả DN lớn và DN nhỏ.

Doanh nghiệp không muốn đầu tư bài bản – Vì sao?

Ông Phạm Đình Đoàn – Phó Chủ tịch Hội đồng trung ương các Hiệp hội DN Việt Nam nêu lên một thực tế: Nếu chân chính thì giàu chậm còn lại nhiều DN phải chuyển hướng kinh doanh, trong khi các DN Nhật Bản chỉ sản xuất 1 sản phẩm mà truyền 4-5 đời còn Việt Nam thì không kinh doanh được lâu dài như vậy.

“Do nhận thức kém nên có tính “bầy đàn”, nhiều “quân ta đánh quân mình” vì không có chính kiến, định hướng, chiều sâu”. – ông Đoàn nhìn nhận.

Trả lời câu hỏi tại sao DN không đầu từ bài bản, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, cho rằng có hai yếu tố chính. Thứ nhất, nhà nước có nhiều biện pháp can thiệp quá sâu và thị trường, làm sai lệch tín hiệu thị trường. Ví như quy hoạch bao nhiêu ha cà phê, bao nhiêu tấn gạo là vấn đề của thị trường chứ không phải là vấn đề của nhà nước. Theo ông Hiếu, cách can thiệp này làm sai lệch thị trường, khiến DN không biết tự nghiên cứu để tự chủ tự nghiên cứu thị trường để tự quyết định nên đầu tư cái gì, đầu tư như thế nào. Thứ hai, nhà nước giữ mức đầu tư quá lớn và nền kinh tế vĩ mô không ổn định.

Ở góc độ khác, ông Võ Trí Thành cho rằng, điều quan trọng là khả năng thích ứng của DN. Nhiều khi DN không thích ứng được hoặc khó thích ứng thì họ khó có thể đầu tư bài bản. Chẳng hạn như khi nói về người giỏi, có thể họ giỏi nhưng không chắc đã thích ứng được?

Tháo nút thắt từ đâu?

Nhìn nhận về thực trạng DN Việt Nam, TS Võ Trí Thành cho rằng có nhiều DN “to” nhưng đúng nghĩa “lớn” thì chưa có mà chỉ có một số DN “tập lớn” như: FPT, Viettel, Vinamilk…. “DN “lớn” phải có thương hiệu toàn cầu, công nghệ sáng tạo, chi phối được mạng phân phối” – vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo Phó Viện trưởng CIEM, ông Phan Đức Hiếu, có 3 rào cản với DN hiện nay là: gánh nặng chi phí, thời gian để tuân thủ quy định pháp luật, rủi ro pháp lý và độ an toàn trong kinh doanh. “Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm cài thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN (Nghị quyết 19, Nghị quyết 35) nhưng các Nghị quyết chỉ tập trung giảm gánh nặng chi phí và thời gian ở mức gia nhập thi trường, còn vấn đề cạnh tranh, quản trị… thì chưa được nói nhiều…”- Ông Hiếu nhận xét.

Theo vị chuyên gia này, chính sách cạnh tranh và thực thi cạnh tranh bình đẳng là điều sống còn của một nền kinh tế thị trường. Điều đó sẽ giúp DN cạnh tranh và phát triển.Vị chuyên gia này cũng thừa nhận con người là đóng vai trò quyết định nhưng cơ chế tạo ra con người tốt.

Đề cập đến nút thắt cần tháo gỡ ngay, TS Võ Trí Thành cho rằng, vấn đề sở hữu đất đai là vấn đề phải được ưu tiên hàng đầu để xem xét và nếu cần thì điều chỉnh cho phù hợp. Sau đó, sẽ là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.

Còn Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng để kinh tế tư nhân phát triển có ba điểm cần quan tâm đó là vấn đề thể chế (văn bản pháp luật), tổ chức bộ máy và con người; trong đó tổ chức bộ máy có vai trò quan trọng.

“Tôi có cơ hội đọc một báo cáo của một tổ chức tài chính nước ngoài nói về kinh tế tư nhân của Việt Nam cách đây 20 năm và tôi thấy rằng sao mà đúng với hiện nay đến thế!” Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI chia sẻ. 

Theo ông, quyết định hành chính phải theo kịp quyết định kinh doanh thì mới tạo ra được môi trường thuận lợi nhất cho DN hoạt động. Nếu quyết định hành chính mà chậm chạp thì sẽ ảnh hưởng và trở thành rào cản cho quyết định kinh doanh. “VCCI và CIEM sẽ có nhiều hơn nữa các hội thảo như thế này để lắng nghe những kiến nghị đề xuất từ phía DNTN, từ đó có đề xuất lên Chính phủ, tạo điều kiện môi trường cho DNTN phát triển…”- Trưởng Ban Pháp chế VCCI  cho biết.

Nguồn: baophapluat

HOTLINE