Tọa đàm: Sửa đổi Hiến pháp – bình đẳng DN nhà nước, tư nhân

 

Tọa đàm: Sửa đổi Hiến pháp – bình đẳng DN nhà nước, tư nhân

05-02-2013

VOV tổ chức buổi tọa đàm “Sửa đổi Hiến pháp 1992: Tạo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế”, vào chiều 4/2/2013

Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Bộ Chính trị chỉ thị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp từ ngày 2/1/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013.

Để góp một tiếng nói trong đợt lấy ý kiến này, VOV tổ chức buổi tọa đàm “Sửa đổi Hiến pháp 1992: Tạo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế”.

Chương trình tập trung vào các nội dung: Những điểm mới đáng chú ý nhất về kinh tế trong Dự thảo hiến pháp sửa đổi; Vấn đề quyền tự do kinh doanh của người dân, cơ chế bảo vệ quyền tự do kinh doanh của người dân; Sự bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và việc định vị vai trò của kinh tế nhà nước trong Hiến pháp.

Khách mời tham dự chương trình gồm có: Ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; ông Nguyễn Viết Thông – Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992ông Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thép Việt Đức.

Chương trình diễn ra chiều  4/2/2013.

** Thưa ông Nguyễn Văn Phúc- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông có thể cho biết những điểm mới đáng chú ý nhất về kinh tế trong Dự thảo hiến pháp sửa đổi.

Ông Nguyễn Văn Phúc- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Ông Nguyễn Văn Phúc: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp công bố, những quy định về kinh tế trong dự thảo sửa đổi lần này có rất nhiều điểm mới. Trước hết, từ tên chương đến các nội dung cụ thể: Hiến pháp năm 1992 chúng ta có một Chương 2 về chế độ kinh tế và Chương 3 về Văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã lồng ghép 2 chương này thành một chương mới.

Việc lồng ghép hai chương của Hiến pháp hiện hành vào một chương nói lên rất nhiều ý nghĩa. Trước hết là thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa vấn đề phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ cũng như bảo vệ môi trường.

Có thể nói, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ngay tại Điều 53 của Dự thảo sửa đổi bổ sung có thể hiện 2 nội dung rất quan trọng. Một là tiếp tục kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 về đường lối phát triển của nền kinh tế nước ta. Hai là nói về quan điểm phát triển là bền vững, phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đi vào từng điều cụ thể, chúng ta thấy có nhiều điểm mới. Đó là điều 54 của Dự thảo sửa đổi quy định tính chất của nền kinh tế. Trước hết, Hiến pháp trực tiếp quy định tính chất của nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.

Điểm nữa là Hiến pháp quy định một cách khái quát nguyên tắc về các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật mà không ghi tên cụ thể từng thành phần kinh tế như Hiến pháp năm 1992.

Như vậy, có thể đặt câu hỏi tại sao chúng ta không quy định cụ thể các thành phần kinh tế trong này? Theo tôi hiểu, trước đây, qua các bản Hiến pháp, đều quy định cụ thể tên từng thành phần kinh tế. Nhưng sau mỗi kỳ đại hội hoặc khi sửa đổi Cương lĩnh và sửa đổi Hiến pháp đã thay đổi tên và số lượng các thành phần kinh tế.

Theo Dự thảo sửa đổi lần này, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị trên cơ sở đề nghị của các Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia kinh tế, lần này Hiến pháp bảo đảm tính ổn định lâu dài. Một trong những định hướng sửa đổi Hiến pháp lần này là bảo đảm tính ổn định và lâu dài của Hiến pháp nên không quy định cụ thể tên các thành phần kinh tế, để cho luật và các chính sách sẽ quy định cụ thể về các thành phần kinh tế.

Trong Dự thảo này cũng có rất nhiều điểm mới về kinh tế, cụ thể là Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cố gắng thể hiện những tư tưởng mới về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế.

Nếu đọc kỹ từng điều khoản thì thấy cách thể hiện Hiến pháp lần này cũng rất khác Hiến pháp năm 1992, xác định đúng hơn vai trò của Nhà nước, vai trò của các tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh và Nhà nước bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền như thế nào. Trong các điều về đất đai, về sở hữu tài sản toàn dân cũng có những điểm mới, đương nhiên vẫn còn đang tiếp tục thảo luận.

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, cũng có quy định một điều mới về tài chính công là một nội dung rất quan trọng mà trong Hiến pháp 1992 chưa quy định.

Gắn với nội dung kinh tế trong chương này, những vấn đề về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường cũng thể hiện một cách gắn kết hài hòa với nội dung kinh tế thì chúng ta có thể đọc và so sánh các quy định của Dự thảo với Hiến pháp hiện hành.

Khi tìm hiểu về nội dung kinh tế, không chỉ nghiên cứu chương 3 mà có thể nghiên cứu các chương khác có liên quan. Ví dụ như chương về quyền con người, nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng có quy định các nguyên tắc có liên quan đến chế độ kinh tế. Ví dụ như Hiến pháp quy định về sở hữu tư nhân. Đây là một quyền rất quan trọng, có liên quan đến phát triển kinh tế của nước ta. Hay những quy định về quyền hạn của Quốc hội thì thấy nhiều điểm quy định khác với hiện hành liên quan đến kinh tế. Ví dụ như trong Hiến pháp 1992 quy định là Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hằng năm. Nhưng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, không ghi là Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội nữa mà Quốc hội chỉ quyết định những mục tiêu, những chỉ tiêu cơ bản, những chính sách và những giải pháp lớn về phát triển kinh tế xã hội.

Đấy cũng là điểm mới so với Hiến pháp hiện hành, cũng là để quy định đúng hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, nó khác với nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hành pháp là Chính phủ trong điều hành kinh tế. Hoặc quy định về kinh tế theo nghĩa rộng thì quý vị và các bạn có thể đọc thêm những quy định khác về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong vấn đề về quyết định dự toán ngân sách như thế nào, phân bổ ngân sách như thế nào cũng có những điểm mới so với quy định hiện hành.

** Có thể nói, đó là phần việc rất khổng lồ liên quan đến kinh tế. Vậy xin hỏi ông Nguyễn Viết Thông, với tư cách là một nhà nghiên cứu, ông đánh giá như thế nào về những nội dung sửa đổi lần này và đặc biệt là những việc không còn quy định 6 thành phần kinh tế cụ thể trong Hiến pháp nữa.  Theo quan điểm của ông, điều này có gì tiến bộ, ưu điểm hơn?

Ông Nguyễn Viết Thông:  Từ ngày 2/1, các phương tiện thông tin đại chúng công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, có ý kiến bình luận cho rằng Dự thảo sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992 là bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Tôi cho rằng, hiểu như vậy là chưa đầy đủ.

Sửa đổi Hiến pháp lần này, một trong những yêu cầu là phải nâng cao kỹ thuật lập hiến để đảm bảo Hiến pháp của chúng ta có tính ổn định lâu dài như ông Nguyễn Văn Phúc đã nói, các thành phần kinh tế luôn luôn vận động, phát triển. Từ Đại hội 6 đến nay, các thành phần kinh tế luôn thay đổi.

Ông Nguyễn Viết Thông- Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thậm chí còn có sự thay đổi ngay trong một nhiệm kỳ Đại hội. Ví dụ, Đại hội IX, chúng ta xác định có 6 thành phần kinh tế: Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng ngay trong nhiệm kỳ khóa IX, Ban chấp hành trung ương đã thảo luận và ra một Nghị quyết về kinh tế tư nhân là gộp hai thành phần kinh tế đã được xác định trong Văn kiện Đại hội IX là thành phần kinh tế cá thể tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân thành một thành phần kinh tế gọi là kinh tế tư nhân. Đến Đại hội X, nước ta có 5 thành phần kinh tế.

Như vậy, các thành phần kinh tế luôn thay đổi, nếu Hiến pháp khẳng định ghi hết các thành phần kinh tế vào thì hợp thời điểm hôm nay, nhưng vài năm nữa có thành phần kinh tế vận động khác đi thì Hiến pháp lại lạc hậu, lại mâu thuẫn với phát triển xã hội. Cho nên, tính toán đi tính toán lại, Hiến pháp chỉ quy định chung nhất, không liệt kê các thành phần kinh tế vào Hiến pháp. Vì không liệt kê các thành phần nên không nói vị trí, vai trò của nó chứ không phải Hiến pháp bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước mà không quy định tại Hiến pháp này.

Cũng nên phân biệt rằng, các văn bản pháp lý thì có Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư… nhưng cũng phải xác định tầm nào. Một trong những hạn chế của Hiến pháp hiện hành là nhiều quy định tầm Luật, nhiều quy định thuộc tầm chính sách. Ví dụ, các thành phần kinh tế là thuộc tầm chính sách; hay tại Chương 2 đề cập vấn đề văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ… Hiến pháp 1992 quy định cả miễn học phí… chỉ là tầm chính sách, đến tầm luật, càng không phải tầm chính sách.

Tôi cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này không đề cập liệt kê đến các thành phần kinh tế, nếu liệt kê thì có nói vai trò các thành phần kinh tế. Do đó, vì không liệt kê, một số người hiểu là Đảng, Nhà nước ta từ bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, hiểu như vậy là chưa chính xác.

** Điểm được nhiều doanh nghiệp đón nhận nhất là tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này. Với tư cách là một DN tư nhân, ông Nguyễn Ngọc Bảo có cảm nhận như thế nào khi đón nhận thông tin kinh tế tư nhân có quyền bình đẳng như kinh tế nhà nước và các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế?

Ông Nguyễn Ngọc Bảo- Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thép Việt Đức: Tôi đồng tình, ủng hộ và đánh giá rất cao Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này trong lĩnh vực kinh tế, bởi nó rất phù hợp với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Một phần nữa, như các bạn đã biết, trong những năm vừa qua, nền kinh tế của chúng ta có những biểu hiện yếu kém. Do đó, tôi cho rằng với một Hiến pháp mới, tôi hy vọng chúng ta có những thay đổi căn bản.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thép Việt Đức.

Cụ thể, ở Điều 53 là chúng ta sửa đổi Điều 15 và Điều 43 của năm 1992 nói rất rõ nước CHXHCNVN xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy mọi nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và chúng ta đẩy mạnh trong quá trình CNH-HĐH của đất nước, và kinh tế phải kết hợp chặt chẽ với phát triển. Khi chúng ta phát triển kinh tế thì chúng ta phải gắn với văn hóa và bảo vệ nguồn tài nguyên môi trường.

Một cụ thể nữa, đó là điều 54, tôi thấy rằng điều 54 là sửa đổi của các điều 15,16,19, 20, 21 và điều 25 của Hiến pháp năm 1992. Ở đây, nền kinh tế Việt Nam xác định là nền kinh tế thị trường theo định hướng của XHCN. Và các thành phần kinh tế là các bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc gia. Tôi cho rằng, đó là những điều rất quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp lần này.

Và ở Điều 56, chúng ta có sửa đổi ở Điều 22, 23 và 25 thì tổ chức cá nhân được tự do kinh doanh và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo pháp luật của nhà nước. Tôi cho rằng đó là những điều rất cơ bản. Ngoài ra, nhà nước ta hiện nay thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm cho sự cạnh tranh lành mạnh của các thành phần kinh tế. Tôi cho rằng, đó là những nét mới và những đề cập hết sức cụ thể trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này.

Ngoài ra nữa, Nhà nước cũng có bảo đảm cho quyền kế thừa, bảo hộ cho quyền không bị quốc hữu hóa, tư hữu hóa, trừ trường hợp đặc biệt. Còn khi vào trường hợp đặc biệt, ví dụ như thiên tai, anh ninh, quốc phòng thì Nhà nước cũng thực hiện theo những quy định của pháp luật. Tôi cho rằng đó là những điểm hết sức cụ thể và cũng mang lại niềm tin đối với doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế.

Tôi cho rằng nếu như chúng ta sửa đổi Hiến pháp này thì sẽ mạch lạc rõ ràng và quan trọng nhất là tạo được sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế.

Điểm mới trong sửa đổi Hiến pháp lần này không đưa ra các thành phần kinh tế cụ thể, đó là một tín hiệu rất tốt. Vì khi chúng ta đưa ra các thành phần kinh tế cụ thể thì các thành phần kinh tế cũng sẽ rất dễ bị phân biệt đối xử. Chúng ta khẳng định các thành phần kinh tế phải có trách nhiệm ngang nhau trước pháp luật và các thành phần kinh tế phải có nghĩa vụ duy nhất, nhà nước bảo vệ quyền đó, là phải hoạt động theo pháp luật.

** Với tư cách là một doanh nghiệp, ông có thấy sự không công bằng giữa các doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước?

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Câu hỏi này rất tế nhị, nhưng tôi cũng nói thẳng, vì ngoài là một doanh nghiệp tôi còn là một Đại biểu Quốc hội, tôi cũng muốn nói lên tâm tư nguyện vọng của cử tri và doanh nghiệp trong cả nước. Thực sự, đây là một sự bất công.

Có rất nhiều điều rất bất hợp lý, từ bảo hộ các quyền cũng như các quy định, kế hoạch của nhà nước, cách điều hành để gây ra những bất công rất nhiều trong nền kinh tế. Đó là một trong những điểm mà trong Hiến pháp lần này chúng ta phải cương quyết sửa đổi. Tôi cho rằng, khi chúng ta để xảy ra bất công đó, thì chúng ta không tận thu được các nguồn lực, không phát huy được hết các khả năng của các nền kinh tế.

Đất nước của chúng ta hiện nay muốn phát triển được phải tập hợp được sức mạnh của các nguồn lực của các thành phần kinh tế. Còn có những bất bình đẳng thể hiện rất sâu, rất đậm trong những năm vừa rồi. Ví dụ, những tập đoàn làm ăn thua lỗ nhưng người dân không biết nguồn tiền mất ở đâu.

Còn doanh nghiệp tư nhân, nếu mất, nếu muốn vay ngân hàng hay của ông A, B, C nào đó thì không ai chấp nhận cho vay, thập chí còn có thể gặp rắc rối về pháp lý.

Tôi cho rằng tất cả các thành phần kinh tế phải bình đẳng nhau trước pháp luật, phải có trách nhiệm với người dân. Tiền của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các thành phần kinh tế đều là tiền của nhân dân. Tôi cho rằng chúng ta cần phải hướng tới một Hiến pháp mang lại sự bình đẳng,

** Thưa ông Nguyễn Văn Phú, vừa rồi ông có nói đến sự lạc hậu của Hiến pháp năm 1992 so với thực tế phát triển của nền kinh tế. Theo quan sát của ông, là người làm công tác lập pháp và theo dõi việc thực thi pháp luật, ông đánh giá như thế nào về hệ thống văn bản pháp luật, nhất là những khó khăn khi xây dựng Luật và Hiến pháp phù hợp nhau và phù hợp thực tế?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Hiến pháp năm 1992 ban hành đầu thời kỳ Đổi mới, lúc đó nhận thức, điều kiện của chúng ta cũng có những điểm khác với hiện nay. Hơn nữa, năm 2001 chúng ta có sửa đổi bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 1992, đặc biệt là những quy định liên quan đến chuyển đổi kinh tế cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Từ 2001 đến nay, ngay cả những vấn đề phát triển kinh tế, những nhận thức, tư duy đã có những điểm mới. Vì thế, chúng ta cần phải sửa đổi bổ sung những quy định hiện hành của Hiến pháp 1992 cho phù hợp tình hình mới.

Việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992, trong đó có những quy định liên quan đến kinh tế, văn hóa, xã hội… là tạo cơ sở Hiến định để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực này.

Ví dụ, tới đây sẽ ban hành những luật có liên quan đến doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để bảo đảm bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

Nếu chúng ta có nhận thức chưa đúng, chưa rõ về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, và chúng ta lại nhầm lẫn giữa vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước với vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước. Hai cái này khác nhau. Nếu có sự nhầm lẫn thì khi ban hành luật và các văn bản dưới luật mà quy định doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo thì chắc chắn sẽ tạo ra những khó khăn trong việc áp dụng các nguyên tắc của Hiến pháp. Đó là sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Cho nên, tới đây, chúng ta phải sửa đổi cả các luật có liên quan trên tinh thần mới của Hiến pháp. Khi có sự thống nhất các quy định trong Hiến pháp sẽ tạo thuận lợi khi cụ thể hóa bằng các đạo luật.

** Thưa ông Nguyễn Viết Thông, qua ý kiến 2 khách mời, ông có bình luận gì?

Ông Nguyễn Viết Thông: Ông Bảo với tư cách vừa là doanh nghiệp vừa là Đại biểu Quốc hội thì có nói, thực tế vừa qua ta có sự đối xử bất công giữa DNNN với DNTN. Cái đó là đúng.

Văn kiện Đảng không nói phân biệt, Hiến pháp cũng không nói phân biệt. Lần này, thể chế hóa các thành phần kinh tế không liệt kê, nhưng riêng về kinh tế tư nhân thì, kể cả ở chương về quyền con người, quyền cơ bản của công dân đều có đề cập.

Chẳng hạn, tại chương 3 có nói về việc các tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh. Quan điểm của Đảng tại Đại hội XI nói rằng kinh tế tư nhân là một trong những động lực phát triển nền kinh tế. Tức là thừa nhận vai trò rất quan trọng của kinh tế tư nhân, điều này hiện nay ai cũng thừa nhận, kể cả giải quyết việc làm và đóng góp vào GDP ngày càng phát triển.

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cũng đang khuyến khích kinh tế tư nhân. Các tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, với tinh thần công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Còn cán bộ công chức được làm cái gì pháp luật cho làm. Tinh thần này được thể hiện rất rõ trong Văn kiện Đảng và trong Dự thảo Hiến pháp lần này.

Theo tôi, đúng là nhìn thấy DNNN thua lỗ, và thực tế là đang thua lỗ, tại Hội nghị Trung ương 6, có thảo luận một chuyên đề về DNNN. Bên cạnh khẳng định thành tựu, chỉ rõ những yếu kém của DNNN như thua lỗ, làm trái pháp luật.

Đang có sự nhhầm lẫn giữa khái niệm kinh tế nhà nước (KTNN) và DNNN. Kinh tế nhà nước là một khái niệm rộng hơn nhiều. DNNN chỉ là một bộ phận của kinh tế nhà nước.Trong Văn kiện Đảng gần đây đều khẳng định, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo chứ không nói DNNN giữ vai trò chủ đạo.

Sự nhầm lẫn này, tới đây phải sửa. Quốc hội sẽ thảo luận trên cơ sở từ Hội nghị Trung ương 6 đã giao cho Đảng đoàn Quốc hội chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết việc thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2005 để đề xuất Trung ương một phương án quy định về pháp luật đối với DNNN để DNNN cũng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật cho chặt chẽ, đừng để nó thất thoát.

Vừa rồi kiểm điểm lại DNNN thua lỗ, một trong những nguyên nhân dẫn đến là Luật chưa chặt chẽ. Cho nên mới có chuyện đối xử ưu ái với DNNN.

Đây là chúng ta chuyển từ thời kỳ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường. Trước khi có Luật Phá sản, DNNN thua lỗ thì khoanh nợ, rồi giãn nợ, xóa nợ, thậm chí thua lỗ đến mức “chết nhưng chưa được chôn” vì chưa có Luật Phá sản. Nhưng từ khi có Luật Phá sản thì đó là một bước tiến.

Với Dự thảo Hiến pháp lần này và các luật khác liên quan, sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Khi đó, sẽ tạo ra cạnh tranh lành mạnh. Đó cũng là cơ sở pháp lý để kinh tế nước ta có điều kiện phát triển lành mạnh. 

** Xin hỏi ông Nguyễn Văn Phúc và ông Nguyễn Viết Thông, khi sửa đổi Hiến pháp thì quy mô của DNNN có thu hẹp lại hay không, vì trên thực tế các DNNN hiện nay có quy mô rất lớn?

Ông Nguyễn Viết Thông: Chắc chắn sẽ thu hẹp, vì theo định hướng của Đảng, kết luận tại Hội nghị trung ương 6 vừa rồi, trong các nhóm giải pháp có đưa ra 3 quan điểm chỉ đạo: Quan điểm thứ nhất, khẳng định vị trí, vai trò của DNNN. Quan điểm thứ hai, định hướng sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN, đã chỉ rõ DNNN chỉ đầu tư vào 4 lĩnh vực then chốt. Như vậy, chắc chắn DNNN sẽ tập trung lại ở một số lĩnh vực quan trọng, còn lại các thành phần khác làm. Cái gì các thành phần kinh tế khác làm tốt hơn thì để họ làm.

Hiện nay, ta có 1.060 DNNN, trong đó 452 DN thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh, còn 608 DN thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tới đây, 608 DN này sẽ sắp xếp lại. Kể cả các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty phải cơ cấu lại. Vừa rồi, có 2 tập đoàn đã chuyển thành tổng công ty. Ta thí điểm 11 tập đoàn thì có những tập đoàn làm ăn có lãi (Viettel, công nghiệp hóa chất Việt Nam), nhưng bên cạnh đó có những tập đoàn mà dư luận rất bức xúc như Vinashine, Vinalines…  có thua lỗ rất nhiều, chưa được giải quyết triệt để.

Tới đây, đương nhiên DNNN sẽ được sắp xếp lại. Như vậy, các thành phần DN khác như DN tư nhân, DN có đầu tư nước ngoài… phát triển. Đây là một xu hướng tốt.

Ông Nguyễn Văn Phúc: Mối quan hệ giữa Hiến pháp và DNNN thì đọc trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp này, không có từ nào là DNNN. Ta chỉ nói tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng cạnh tranh, tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cũng không có cụm từ nào nói về KTNN. Nhưng có mối quan hệ giữa Hiến pháp và các thành phần kinh tế hay là DNNN ở chỗ nào? Đứng trên nguyên tắc của Hiến pháp, ta phải hiểu các quy định trong Hiến pháp mới hiểu được các mối quan hệ đó.

Khi triển khai cụ thể hóa các quy định trong Hiến pháp thành luật thì sẽ hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa các DN và các thành phần kinh tế với Hiến pháp như thế nào.

Khi nói mối quan hệ giữa Hiến pháp và DN thuộc các thành phần, trong rất nhiều quy định của Hiến pháp, ví dụ trong Dự thảo lần này đã quay lại các quy định của Hiến pháp năm 1946 và 1959 về quyền sở hữu tư nhân. Trong các Hiến pháp năm 1980 và 1992 chúng ta nói cải tạo các thành phần kinh tế tư bản, công thương nghiệp, các thành phần kinh tế nền tảng. Lần này, trong Chương 2 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã có bổ sung…

Có một quy định mang tính chất nguyên tắc về huy động các nguồn lực của xã hội để phát triển KT-XH. Nếu ta hiểu nguyên tắc ở vấn đề về đường lối phát triển và quan điểm phát triển sẽ thấy phải huy động toàn bộ nguồn lực xã hội, trong đó có nguồn đầu tư toàn xã hội.

Đặc biệt, chúng ta đọc kỹ từng điều khoản trong Dự thảo thì thấy, có một cách tiếp cận mới về vai trò của nhà nước. Nếu đọc lại Hiến pháp 1980, 1992 sẽ thấy có nhiều điều bắt đầu bằng “Nhà nước bảo đảm, Nhà nước có trách nhiệm, Nhà nước thúc đẩy…” thì hiện nay, những quy định như vậy phải được cân nhắc ở chỗ nào cần quy định vai trò của nhà nước, trong đó có KTNN, còn chỗ nào quy định vai trò của tất cả các thành phần kinh tế.

Cho nên, không phải chỗ nào cũng là KTNN, không phải chỗ nào Nhà nước cũng can thiệp… để thấy phạm vi, sự cần thiết phải can thiệp của Nhà nước cụ thể khi nào, còn lại dành dư địa cho các thành phần khác, trong đó có thành phần kinh tế tư nhân.

** Thưa ông Nguyễn Ngọc Bảo, theo cảm nhận của ông, những sửa đổi lần này của Hiến pháp đã đủ tạo bước tiến mới cho các doanh nghiệp tư nhân bình đẳng để cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước?

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Câu hỏi này tôi rất tâm đắc vì điều này cũng là điều mà tôi quan tâm rất nhiều trong sửa đổi Hiến pháp lần này. Các thành phần kinh tế của chúng ta, về nguyên tắc hoạt động phải tuân thủ theo luật pháp. Cũng nói rất rõ là các thành phần kinh tế của chúng ta là bộ phận hợp thành của nền kinh tế, chúng ta khẳng định điều đó rất rõ. Vậy ở đây, điều quan trọng của đợt sửa đổi lần này là chúng ta tạo được sự bình đẳng trước pháp luật của các thành phần kinh tế. Đó là cùng phát triển, cùng cạnh tranh để tăng sức mạnh trên thương trường. Tức là tất cả các doanh nghiệp của chúng ta cũng không phân biệt.

Đợt sửa đổi điều này, có điểm rất hay là chúng ta đánh giá công bằng vai trò kinh tế của tất cả các thành phần kinh tế. Câu “thành phần kinh tế” ít được nhắc đến trong Hiến pháp lần này. Mặc dù theo quan điểm của tôi nó vẫn hình thành. Ví dụ kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế đầu tư có vốn nước ngoài. Thực ra nó vẫn là như thế, chúng ta có muốn không nhắc đến thì nó vẫn tồn tại. Nhưng quan điểm của những người làm luật, những người làm Hiến pháp có một tín hiệu đáng mừng. Chúng ta đưa tất cả các thành phần kinh tế thực hiện trên một đích cao nhất là phát triển. Sau đó, tất cả các thành phần đều ngang nhau trước pháp luật. Điều đó tất cả các doanh nghiệp chúng ta đều mong mỏi.

Ở đây tôi cũng nói thêm một vấn đề là, trong quá trình cạnh tranh, nếu như Hiến pháp và pháp luật tạo ra được bình đẳng thì sẽ huy động được sức mạnh bền vững cho nền kinh tế, có một bước tiến để tăng được nguồn vốn mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp và hiệu quả cho đất nước, cũng như dần dần bước vào hội nhập trong khu vực.

Trước mắt, tôi cho rằng chúng ta đang hội nhập ở diện rộng và đó là tiền đề để chúng ta hội nhập vào chiều sâu và hội nhập một cách tập thể. Còn hiện tại tôi cũng nhận định rằng chúng ta mới đang ở một diện rộng, còn về chiều sâu. Chúng ta đang tiến tới tiếp cận nền kinh tế thị trường, nền kinh tế thế giới, khu vực cả về chiều rộng và chiều sâu. Và tôi cũng hy vọng khi có Hiến pháp mới, đây sẽ là chìa khóa để bước vào thời kỳ mới. Chúng ta vừa trải qua một thời kỳ kinh tế khó khăn, tất nhiên là có ảnh hưởng đến kinh tế của thế giới, nhưng về phần chúng ta cũng có trách nhiệm rất lớn.

Một điều nữa, tôi cho rằng muốn thực hiện được điều đó thì mục đích cuối cùng, phải triển khai các luật. Còn Hiến pháp chỉ đưa ra được khái niệm, nguyên tắc chung cơ bản. Nhà nước chỉ can thiệp vào những chính sách vĩ mô và cũng không nên can thiệp vào kinh doanh, đầu tư, phát triển của từng loại doanh nghiệp mà không quản lý. Nếu hiểu không đúng, chúng ta nghĩ là thả nổi thì không phải, nhưng nó phải trả đúng về quy luật kinh tế phát triển thị trường, định hướng XHCN. Nhưng không có nghĩa nhà nước can thiệp quá sâu vào lĩnh vực kinh doanh cũng như là đưa ra các hoạch định kinh tế, các điều về chính sách vĩ mô. Tôi rất thích quy định rằng Nhà nước chịu trách nhiệm về những quyết định quy hoạch về kinh tế, về phát triển kinh tế, chịu trách nhiệm nếu gây tổn thất cho các thành phần kinh tế. Nếu đúng như các nguyên tắc thì ở đây trách nhiệm của nhà nước đưa ra các vấn đề kinh tế vĩ mô mà sai thì nhà nước sẽ chịu trách nhiệm.

Nhà nước mang tính định hình, nếu định hình sai thì phải chịu trách nhiệm, phải bồi thường. Tôi cho rằng Hiến pháp lần này đưa ra những điểm rất cơ bản và rất đúng với mong mỏi của các doanh nghiệp.

Luật hiện hành của chúng ta hiện nay phải tạo dựng tương đối đầy đủ cho việc thực hiện quyền tự do kinh doanh. Đấy là một vấn đề. Cái thứ hai, khi chúng ta gia nhập thị trường kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước thì chúng ta phải tạo được một điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư tiếp cận các nguồn lực. Có rất nhiều loại nguồn lực. Ví dụ như nguồn lực về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, công nghệ, lao động là phải bình đẳng để tất cả các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn lực.

Việc tiếp theo nữa là phải đảm bảo cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trên thị trường bình đẳng hơn. Ví dụ, các quy định về tự chủ (ký kết hợp đồng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền về cung ứng hàng hóa cũng như quyền về xuất nhập khẩu), phải tạo được mặt bằng giống nhau, không có nghĩa doanh nghiệp thành phần kinh tế này thì được mà thành phần kinh tế kia không được.

Tiếp theo nữa, chúng ta phải giảm dần hàng rào phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Về chủ trương của Đảng không có cái đó, Nghị quyết cũng không có,  Chính phủ cũng không có. Nhưng trên thực tế vẫn có những Nghị định mang tính rào cản. Phải dần dần xóa rào cản đó đi để cho các thành phần kinh tế được tự tin. Dân gian có câu rất cơ bản là “một miếng giữa làng bằng một sàng giữa bếp”. Ở đây người ta cần sự bình đẳng, chúng tôi có thể hy sinh bằng một phần tài sản nhưng chúng tôi cần sự bình đẳng.

Tôi nghĩ rằng, trong kinh tế chúng ta càng làm rõ ràng, bình đẳng bao nhiêu thì chúng  ta càng phát huy được nguồn lực của mọi người dân, của mọi doanh nghiệp. Tôi rất tôn trọng người lao động, từ nhỏ đến lớn đều có trách nhiệm lớn vì người ta đều đem lại hiệu quả. Thực ra, tất cả mọi người đều có ý thức như vậy thì đất nước chúng ta mới giàu. Điều đó là rất hiển nhiên.

Chúng ta phải giảm dần sự can thiệp hành chính từ phía các cơ quan nhà nước đối với thị trường. Đôi khi sự can thiệp của nhà nước đối với thị trường quá sâu. Chúng ta hiểu rằng đôi khi chúng ta cũng cân nhắc về an sinh xã hội, ở những điều kiện khó khăn của đất nước nhưng đấy chỉ là tạm thời. Còn về mặt cơ bản chúng ta muốn tiến tới một nền kinh tế thị trường thì chúng ta phải dỡ bỏ cái đó. Nếu không nó sẽ bị tác dụng chéo. Tức là chúng ta muốn đi một đường nhưng trong quá trình đi chúng ta cứ phải rẽ thì không bao giờ chúng ta đến đích được, mà đến đích thì rất lâu.

Cuối cùng, trong thể chế hóa chính sách của thị trường, chúng ta cần thu hút được những nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Cái đó chúng ta cũng cần phải quan tâm và để phát huy được nội lực cũng như là tạo được sức mạnh cộng hưởng của các thành phần tham gia kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Phúc: Tôi bổ sung thêm, không phải đến lần Hiến pháp sửa đổi này mới quy định về bình đẳng các thành phần kinh tế. Mà ngay cả Hiến pháp năm 1992, cả lần sửa đổi năm 2001 đã quy định nguyên tắc bình đẳng.

Nhờ những quy định, những nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp năm 1992 và được bổ sung vào năm 2001 thì chúng ta mới phát triển được nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN như hiện nay. Và đó cũng là một thành tựu được thế giới thừa nhận. Và việc chúng ta được gia nhập vào các tổ chức quốc tế, ví dụ như WTO, người ta cũng đánh giá nền kinh tế của mình và thừa nhận là chúng ta đi theo một nền kinh tế thị trường.

Nhưng vấn đề là Hiến pháp lần này so với Hiến pháp năm 1992 và sửa đổi năm 2001 thì cách chúng ta tiếp cận và tư duy chúng ta phát triển về những nguyên tắc của Hiến pháp để bảo đảm tính minh bạch giữa các thành phần kinh tế có bước phát triển mới, mà nó thông qua rất nhiều quy định. Có thể không quy định cụ thể tên từng thành phần kinh tế, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước nhưng phải nghiên cứu, phải xuất phát từ những nguyên tắc đã quy định. Nguyên tắc đó sẽ chi phối trong việc phát hành luật và từ đây Quốc hội và các cơ quan bảo vệ Hiến pháp chiếu vào các nguyên tắc ấy để xem các đạo luật tới đây Quốc hội ban hành hay các văn bản mà Chính phủ ban hành liên quan đến các thành phần kinh tế thì có bảo đảm được nguyên tắc bình đẳng hay không, có bảo đảm được nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền hay không. Còn các điều luật và trong Hiến pháp không thể quy định cụ thể được nhưng nguyên tắc là rất quan trọng.

Ví dụ: Điều 55 được sửa đổi bổ sung từ Điều 24 và 28 hiện hành nói đến vai trò của nhà nước. Đúng là không nên lạm dụng, can thiệp vào hành chính thì rất đúng, trừ những tình huống đặc biệt, như khủng khoảng kinh tế, thiên tai thì cần dùng các biện pháp hành chính nhưng mà rất có điều kiện, rất có một giới hạn về thời gian để quay lại những nguyên tắc của mình.

Không những thế, trong Điều 55, nhà nước xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế, tất cả phải nằm trong thể chế này và bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường. Tức là lại nhấn mạnh một lần nữa, mặc dù ở Điều 54 nói nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng khi nói đến vai trò của nhà nước thì nhà nước phải chăm lo, xây dựng và hoàn thiện thể chế và phải bảo đảm làm thế nào cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường. Rõ ràng là ta thấy được tinh thần trong đó. 

** Thưa ông Nguyễn Viết Thông, tư tưởng chỉ đạo về Hiến pháp rất rõ ràng nhưng khi chúng ta triển khai, vẫn có vấn đề phải không ạ?

Ông Nguyễn Viết Thông: Điều này cũng dễ lý giải, vì chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền từ 1994 đến nay, hiện tại vẫn còn mới mẻ, chưa có thói quen tôn trọng Hiến pháp và pháp luật. Khi nào ý thức của người dân về nhà nước pháp quyền, với Hiến pháp và pháp luật là tối thượng thì khi đó xã hội đi vào ổn định.

** Một nội dung mà các doanh nghiệp trông đợi là khi bản Hiến pháp được hoàn thiện và thông qua theo hướng mà Ban Biên tập dự thảo đã đưa ra thì thưa ông Nguyễn Văn Phúc là liệu các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế có trở lên thông thoáng, không chồng chéo như hiện nay không?

Phải nói rằng, một trong những yêu cầu của việc Sửa đổi bổ sung Hiến pháp lần này là không quy định quá chi tiết về từng ngành, từng lĩnh vực mà chỉ quy định nguyên tắc có tính khái quát làm nền tảng trong việc ban hành các luật và các chính sách. Nếu chúng ta quy định khái quát sẽ bảo đảm được tính ổn định lâu dài.

Nếu Hiến pháp quy định quá chi tiết thì khi ban hành các luật, ta rất vướng và thậm chí khi Quốc hội thông qua các đạo luật, người ta vẫn còn tiếp tục đặt vấn đề về cách hành văn, câu chữ, tinh thần có phù hợp với những điểm của Hiến pháp hay không.

Lần này, khắc phục các tiếp cận của Hiến pháp, Ban soạn thảo đưa ra những quy định mang tính nguyên tắc. Như vậy, khi chúng ta ban hành các đạo luật thì sẽ thuận tiện hơn. Tuy nhiên nếu ban hành nguyên tắc trừu tượng quá, chung chung quá thì rất nguy hiểm khi ban hành các luật bởi như vậy người ta ban hành luật thế nào cũng được. Nguyên tắc phải có tính định hướng để các đạo luật phải tuân theo.

Tôi cho rằng, nếu lần này ban hành Hiến pháp, chúng ta phải sửa đổi một loạt các luật có liên quan. Trong đó có những luật liên quan đến chương 3, kể cả nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề kinh tế thì chúng ta phải tuân theo một cách rất chặt chẽ các nguyên tắc của Hiến pháp và đặc biệt là nếu Quốc hội thông qua với một thiết chế mới là Hội đồng Hiến pháp thì việc ban hành đòi hỏi sự chặt chẽ hơn về tính lập hiến.

Và chắc chắc, Hiến pháp ban hành phù hợp với tình hình mới thì các Đạo luật sau này ban hành cũng phải phù hợp với Hiến pháp và tình hình mới. Tôi cho rằng sẽ có những thuận tiện về tư duy mới về lập hiến, tư duy mới về lập pháp, về nền kinh tế thị trường về vai trò của các thành phần kinh tế; vai trò của nhà nước. Đặc biệt trong bối cảnh đã hội nhập vào nền kinh tế thế giới, chúng ta phải căn cứ vào rất nhiều  tiêu chí, nguyên tắc. Không chỉ những nguyên tắc quy định trong Hiến pháp, mà còn các nguyên tắc của các tổ chức quốc tế mà chúng ta là thành viên. Chắc chắc sẽ có những thuận lợi, những đòi hỏi rất nghiêm ngặt trong việc ban hành các đạo luật cũng như các nghị định bảo đảm tính phù hợp của Hiến pháp và tính thực tiễn cao hơn./.

Hà Quốc Quân
search

HOTLINE