Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) điểm yếu lớn nhất trong ngành gạo Việt Nam hiện nay chính là sự trì trệ, kém hiệu quả đến mức đang cản trở sự phát triển ngành hàng này của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Ngành lúa gạo khó vươn lên trong cơ chế dẫn dắt cũ kỹ và không còn phù hợp của VFA? (Ảnh minh họa)
Theo báo cáo “Đánh giá vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đối với ngành lúa gạo và đề xuất các biện pháp cải tổ Hiệp hội” vừa được công bố, dù ngành nông nghiệp Việt Nam đang đạt những kết quả rõ rệt của một nền sản xuất hàng hóa vận hành theo quy luật thị trường nhưng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo còn tồn tại nhiều điểm yếu, đặc biệt là về thể chế dưới sự dẫn dắt của VFA đang dẫn đến sự tụt hậu trong việc tổ chức chuỗi giá trị lúa gạo so với tiến triển thị trường.
Hiệp hội của các “ông lớn”
Nghiên cứu chỉ ra, mặc dù VFA là một hiệp hội được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, nhưng vị trí Chủ tịch hiệp hội vẫn do Bộ Công Thương phê chuẩn và thường vị trí này do lãnh đạo Vinafood I và Vinafood II thay nhau đảm nhận.
Nhiều mâu thuẫn nội bộ bùng phát xuất phát từ sự thiếu minh bạch và tự nguyện trong bầu cử lãnh đạo. Khối DN tư nhân, mặc dù có động lực lớn trong đổi mới cơ cấu tổ chức và bộ máy điều hành, nhưng thành viên Ban chấp hành chủ yếu là các DN nhà nước là thành viên của Vinafood II, nên các cuộc họp bầu hay bãi nhiệm vị trí chủ tịch, dù được tiến hành đúng nguyên tắc hay không đều sẽ có lợi cho khối DN nhà nước.
Vì thế, VFA được cho chỉ là hiệp hội của DN xuất khẩu và chỉ đại diện cho quyền lợi của DN lớn. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR, một trong những rào cản lớn nhất đối với việc gia nhập VFA hiện nay đo là điều kiện “phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định của Chính phủ”, trong trường hợp này là Nghị định 109 quy định tiêu chuẩn thương nhân xuất khẩu gạo dựa trên quy mô sản xuất và địa bàn hoạt động.
Nhiều DN quy mô nhỏ, đang phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao lại không đủ điều kiện trở thành thành viên của Hiệp hội. “Như vậy, mặc dù VFA có tên đầy đủ là Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhưng không những không bao phủ tới nông dân, thương nhân trung gian, mà còn không đại diện cho quảng đại cộng đồng DN đang hoạt động trong ngành gạo” – TS. Thành lo ngại.
Nghiên cứu của VEPR còn cho thấy, VFA không có giá trị định hướng trong chiến lược phát triển thị trường và liên kết năng động của khối DN tư nhân; đồng thời thất bại trong vai trò dẫn dắt khối DN nhà nước thu hẹp khoảng cách về năng lực phát triển thị trường và liên kết với khối DN tư nhân.
“Tư duy thị trường của Hiệp hội xuất phát từ việc lãnh đạo DN nhà nước kiêm nhiệm lãnh đạo VFA, trong khi khối DN nhà nước đang tụt hậu so với khối DN tư nhân cả về năng lực phát triển thị trường và năng lực liên kết sản xuất” – TS.Thành nhận định.
Đã cũ kỹ và cần cải tổ?
Một trong những đánh giá đáng chú ý của nhóm nghiên cứu khi cho rằng, hai vấn đề nổi bật nhất trong mối quan hệ giữa VFA với thị trường hiện nay là giá sàn xuất khẩu gạo và sự nổi lên của thị trường Trung Quốc.
Theo Nghị định 109, VFA được giao nhiệm vụ công bố giá sàn gạo xuất khẩu trong từng thời kỳ để làm cơ sở cho việc ký kết và đăng ký hợp đồng xuất khẩu. Quyền lực xác định và công bố giá sàn của VFA “tình cờ” có tác động đặc biệt lớn khi Vinafood I và Vinafood II ký kết các hợp đồng tập trung và cạnh tranh giá khốc liệt trên thị trường quốc tế.
VEPR khẳng định, kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam đều cho thấy chính sách giá sàn đã không còn phù hợp để giải quyết thất bại thị trường. Sự nổi lên của thị trường Trung Quốc đối với ngành hàng lúa gạo gần đây đang khiến mối quan hệ, hay chính xác là quyền lực của VFA với thị trường đang trở nên yếu hơn trước.
TS.Thành nói rằng, những triết lý dẫn dắt của VFA đối với ngành hàng lúa gạo đang trở nên cũ kỹ và lỗi thời. VFA đã không còn là sân chơi của riêng các tổng công ty nhà nước. Sự lớn mạnh của khối các DN tư nhân và sự thay đổi căn bản về thị trường đòi hỏi VFA cần có những sự thay đổi sâu rộng về mặt cơ cấu tổ chức, nhân sự lẫn vai trò, chức năng và nhiệm vụ để đáp ứng nhu cầu của sự thay đổi.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo cùng đồng tình nhận định, bối cảnh phát triển nội tại và khách quan của ngành lúa gạo đang đặt ra yêu cầu thay đổi về căn bản tư duy và cách tiếp cận khung phát triển chính sách.
Trong ngắn hạn, Chính phủ đẩy nhanh quá trình ban hành Nghị định sửa đổi hoặc thay thế triệt để Nghị định 109, qua đó xóa bỏ các đặc quyền mà VFA đang được trao theo Nghị định 109. Thay thế chính sách mua, tạm trữ lúa gạo trước đây bằng kỷ luật xuất khẩu gắn với các điều khoản ưu đãi tín dụng vào chính sách hỗ trợ liên kết ngang, liên kết dọc trong chuỗi giá trị lúa gạo và các dự án đầu tư cơ sở hạ tâng, công nghệ cao. Chấm dứt can thiệp hành chính vào tổ chức thể chế của Hiệp hội.
Trong dài hạn, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của hội, hiệp hội, làm cơ sở cho việc thể chế hoá mối quan hệ phối hợp giữa Hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam. Phân vai rõ ràng nhiệm vụ và trách nhiệm giữa Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và Hiệp hội.
“Đảm bảo nguyên tắc Chính phủ chủ động thiết kế thể chế tốt, không làm thay thị trường và siết chặt kỷ cương. Chủ động xây dựng các kịch bản đối phó và hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu mà ngành lúa gạo sẽ là ngành trực tiếp chịu ảnh hưởng và có thể đặt ra các thách thức mới về an ninh lương thực trong dài hạn mà không bộ, ngành, hiệp hội hoặc tổ chức tư nhân nào có đủ năng lực giải quyết” – VEPR khuyến nghị.
Không đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp
“Nhiều DN quy mô nhỏ, đang phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cao lại không đủ điều kiện trở thành thành viên của VFA. Như vậy, mặc dù VFA có tên đầy đủ là Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhưng không những không bao phủ tới nông dân, thương nhân trung gian, mà còn không đại diện cho quảng đại cộng đồng DN đang hoạt động trong ngành gạo” – Báo cáo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhận định..
Nguồn: BPL