Vì sao truy thu thuế mặt hàng phôi thép?


Vì sao truy thu thuế mặt hàng phôi thép?

08-09-2015

Một số doanh nghiệp sản xuất thép đang phản ánh việc cơ quan Hải quan truy thu thuế với mặt hàng phôi thép. Vậy việc truy thu này xuất phát từ đâu và cơ quan Hải quan căn cứ quy định nào?

Căn cứ nào?

Vừa qua, một số DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thép như Công ty sản xuất thép Úc SSE, Công ty CP Matexim Hải Phòng, Công ty CPTM Thái Hưng, Công ty CP cơ khí Vĩnh Phúc, Công ty thép VSC-Posco… phản ánh việc cơ quan Hải quan truy thu thuế đối với mặt hàng phôi thép nhập khẩu.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, việc truy thu thuế được căn cứ vào bản chất hàng hóa và đối chiếu với các quy định về phân loại hàng hóa.

 

Nhiều DN đã chấp hành quyết định của cơ quan Hải quan

Theo Tổng cục Hải quan, có 16 DN mở tờ khai nhập khẩu mặt hàng trên tại 4 Cục Hải quan địa phương (Hải Phòng có 11 DN, Bắc Ninh có 3 DN, TP.HCM 1 DN, Bình Dương 1 DN). Cơ quan Hải quan đã kiểm tra sau thông quan toàn bộ số DN này.

Đến nay, Cục Hải quan Hải Phòng  đã ban hành 8 quyết định ấn định thuế với tổng số tiền 52,2 tỷ đồng. Các DN đã nộp đủ số tiền ấn định vào ngân sách.

Cục Hải quan Bắc Ninh ban hành 2 quyết định ấn định thuế với tổng số tiền 3,1 tỷ đồng. Đến nay, 1 DN đã nộp số tiền ấn định 2,2 tỷ đồng và 1 DN chưa nộp số tiền ấn định 941 triệu đồng.

Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) kiểm tra và đang xin ý kiến xử lý đối với 1 DN.

 

 

Trường hợp liên quan mặt hàng phôi thép như các DN phản ánh ở trên, theo Tổng cục Hải quan, do quá trình làm thủ tục hải quan, DN phân loại sai mã số hàng hóa dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp.

Cụ thể, mặt hàng phôi thép không hợp kim, có mặt cắt ngang hình chữ nhật (kể cả hình vuông), có chiều rộng nhỏ hơn 2 lần chiều dày thuộc mã số 7207.11.00 có thuế suất thuế NK 9% nhưng DN lại khai báo hàng hóa thuộc mã số 7207.19.00 có thuế suất thuế NK 5%.

Cơ sở để cơ quan Hải quan phân loại mã số và áp dụng mức thuế căn cứ vào quy định của Thông tư 49/2010/TT-BTC, Thông tư 14/2015/TT-BTC, Thông tư 156/2011/TT-BTC… Đồng thời, cơ quan Hải quan còn tham khảo ý kiến của cơ quan chức năng là Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Thép Việt Nam.

Căn cứ các cơ sở nêu trên, việc phân loại phôi thép không hợp kim có mặt cắt ngang hình vuông theo mã số 7207.11.00 là đúng quy định.

Vì sao truy thu?

Một số DN có ý kiến vì sao hàng hóa đã được thông quan mà cơ quan Hải quan còn truy thu thuế?

Theo Tổng cục Hải quan, quá trình làm thủ tục hải quan, DN có trách nhiệm tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về thông tin khai báo (theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Luật Hải quan 2014).

Đồng thời, Điều 16 Luật Hải quan 2014 quy định “kiểm tra, giám sát hải quan được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro nhằm đảm bảo hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, XNC và quá cảnh”.

Chính vì vậy, cơ quan Hải quan áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan để tạo thuận lợi cho DN trong quá trình làm thủ tục và tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan để kiểm tra lại tính trung thực trong khai báo của DN.

Trong trường hợp này, tại thời điểm kiểm tra khai báo, các DN lại khai là mặt hàng phôi thép dạng thanh có mã số 7207.19.00 có thuế suất thuế NK 5%. Nhưng kết quả kiểm tra của cơ quan Hải quan phát hiện hàng hóa thực nhập có mã số 7207.11.00 có thuế suất thuế NK 9% như đề cập ở trên. Do đó cơ quan Hải quan tiến hành truy thu thuế theo đúng quy định.

 

Kiểm tra sau thông quan trong vòng 5 năm

Điều 77 Luật Hải quan 2014 quy định:

Kiểm tra sau thông quan là hoạt động kiểm tra của cơ quan Hải quan đối với hồ sơ hải quan, sổ kế toán, chứng từ kế toán và các chứng từ khác, tài liệu, dữ liệu có liên quan đến hàng hóa; kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp cần thiết và còn điều kiện sau khi hàng hóa đã được thông quan.

Việc kiểm tra sau thông quan nhằm đánh giá tính chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, hồ sơ mà người khai hải quan đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan hải quan; đánh giá việc tuân thủ pháp luật hải quan và các quy định khác của pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu, nhập khẩu của người khai hải quan.

Kiểm tra sau thông quan được thực hiện tại trụ sở cơ quan Hải quan, trụ sở người khai hải quan.

Thời hạn kiểm tra sau thông quan là 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Nguồn tin: Hải quan

HOTLINE