Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Trong những năm gần đây, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô.
Hoạt động của các DN đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội. Do đó, công tác hỗ trợ pháp lý cho DN luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm chỉ đạo và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, nhờ vậy, công tác hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đáp ứng yêu cầu thông tin pháp lý cho DN
Trong năm 2017, tỉnh đã cập nhật được 60 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do HĐND, UBND tỉnh ban hành trên cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia và tích hợp trên cổng thông tin điện tử của tỉnh; công bố danh mục để giải quyết tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh là 1.724 thủ tục hành chính – TTHC (trong đó cấp tỉnh là 1.308 TTHC; cấp huyện 288 TTHC; cấp xã 128 TTHC).
Cùng với đó, các cơ quan liên quan ở tỉnh đã phối hợp để thu thập thông tin và triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ công tác xúc tiến đầu tư trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Từ đó, tạo một cơ sở dữ liệu chung, thống nhất trên địa bàn tỉnh, phục vụ hoạt động xúc tiến, hỗ trợ đầu tư; cung cấp thông tin tới các nhà đầu tư và DN về chủ trương, chính sách, định hướng thu hút đầu tư, công khai, minh bạch các TTHC, các quy hoạch, tiềm năng, đối tác, cơ hội đầu tư của tỉnh.
Bên cạnh đó, việc phổ biến các VBQPPL của Trung ương và chủ trương, chính sách của HĐND, UBND tỉnh liên quan đến hoạt động của DN trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức như: biên soạn tài liệu, tổ chức hội nghị, tọa đàm, phát tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng hay được lồng ghép trong các chương trình của các khóa học, đào tạo về khởi sự DN và quản trị DN triển khai trên địa bàn tỉnh…
Hình thức, nội dung hỗ trợ đa dạng
Trong năm 2017, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị chủ trì, phối hợp tổ chức các chương trình bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế DN; chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh mới cho DN. Điển hình như: Sở Tư pháp phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục hàng tuần, giới thiệu phổ biến các VBQPPL trong các lĩnh vực công chứng,
đất đai, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, dược,…; phối hợp các ngành tổ chức 09 lớp tập huấn pháp luật cho người lao động DN ở Khu công nghiệp Khai Quang, Khu công nghiệp Bình Xuyên, Khu công nghiệp Bá Thiện liên quan đến pháp luật về lao động, phòng cháy, chữa cháy,…; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho gần 200 cán bộ nhân sự của các DN trên địa bàn; Liên đoàn Lao động các huyện, thành, thị phối hợp với các phòng chuyên môn thuộc UBND các huyện, thành, thị tổ chức 15 lớp tập huấn tuyên truyền về các chính sách pháp luật về lao động: chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội…cho người sử dụng lao động, người lao động, cán bộ phụ trách công tác công đoàn, công tác quản lý trong các DN trên địa bàn huyện, thành, thị.
Bên cạnh đó, tiếp nhận kiến nghị của DN và hoàn thiện pháp luật cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, rất được UBND tỉnh quan tâm, tiến hành thường xuyên và thực hiện có hiệu quả. Việc tiếp nhận kiến nghị của DN được thực hiện dưới nhiều hình thức: tiếp nhận trực tiếp thông qua hình thức tổ chức hội nghị, tiếp nhận bằng văn bản, tiếp nhận thông qua mạng điện tử hoặc thông qua các đợt thanh tra, kiểm tra… Thông qua đó, nếu các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của DN còn bất cập, không còn phù hợp với thực tế sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Có thể khẳng định, năm 2017, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành quả, với những hình thức và nội dung hỗ trợ đa dạng đã góp phần định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp DN hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài. Với sự hỗ trợ từ phía cơ quan có thẩm quyền, các DN yên tâm hơn về tính pháp lý trong mỗi hoạt động của mình, hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết, góp phần xây dựng đội ngũ DN của tỉnh ngày càng lớn mạnh, từ đó góp chung vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.
Nguồn: BPL