Vn-Index có thể đạt 1.200 điểm năm 2018

Vn-Index có thể đạt 1.200 điểm năm 2018


Năm 2017 được xem là năm sôi động nhất của thị trường trong 10 năm trở lại đây. Sang năm 2018, VN-Index có thể đạt mức 1.200 – 1.300 điểm nhưng vẫn là chuyện “xanh vỏ, đỏ lòng”, tăng cục bộ ở một số mã lớn trong VN30.

Đó là nhận định của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư – CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng về thị trường chứng khoán thời gian tới.

Ông Phan Dũng Khánh

Thị trường có thể vượt 1.000 điểm năm 2018

– Tính đến thời điểm này, Vn-Index đã có một năm tăng điểm ấn tượng với mức tăng trên 40%. Ông nhìn nhận sao về chỉ số này và liệu rằng sự tăng trưởng ấy có bền vững?

Ông Phan Dũng Khánh: Đầu năm nay, tôi đã nhận định thị trường có thể lên 800 – 850 điểm, trong khi nhiều dự báo khác lạc quan nhất cũng chỉ dự đoán khoảng 700 – 750 điểm. Tuy nhiên sự hưng phấn của thị trường đã vượt qua tất cả dự đoán, thậm chí hiện nay đã có dự báo lạc quan cho rằng Vn-Index có thể lên 1.100 điểm vào tháng 1/2018.

Theo tôi, chuyện này có thể có nhưng khác câu chuyện của 10 năm về trước. Thời điểm năm 2006 – 2007, thị trường tăng ở các tất cả các mã chứng khoán, còn hiện tại, thị trường phân hoá rất mạnh. Trong tuần trước đã có thời điểm trong 1 phiên thị trường tăng 27 điểm nhưng có tới 150 mã giảm điểm và dưới 100 mã tăng điểm. Nhiều người nói rằng thị trường tăng, thậm chí tăng 40 điểm nhưng tài khoản của họ vẫn lỗ. Nguyên nhân cơ bản là thị trường đang diễn biến cục bộ, tăng tập trung ở các mã lớn, các mã trong VN30 chứ không tăng đều, không bền vững.

Về xu hướng, tôi cho rằng thị trường vẫn sẽ tiếp tục duy trì được nguồn năng lượng hiện tại với sự hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như chứng khoán phái sinh, dòng vốn ngoại và “sóng” thoái vốn nhà nước, kinh tế VN khởi sắc, APEC 2017 vừa kết thúc…

Về chứng khoán phái sinh, hiện nay chỉ lấy chỉ số VN30 làm chỉ số cơ sở và được cấp tỷ lệ margin khá cao. Khả năng dòng tiền đã tác động lên các mã trong VN30 từ phái sinh qua thị trường cơ sở, khiến thị trường bị tác động ít nhiều.

Về dòng vốn ngoại, nhà đầu tư nước ngoài đang mua cao nhất trong lịch sử giao dịch của TTCK. Tuy nhiên, tôi lưu ý rằng nói cao nhất lịch sử nhưng chỉ tăng vài chục phần trăm so với thời điểm mua cao vào năm 2006 – 2007. Trong khi đó, quy mô thị trường sau 10 năm đã tăng hàng chục lần, do đó tỷ lệ tăng giữa quy mô thị trường và vốn ngoại không cân xứng. Do đó, dòng vốn ngoại là yếu tố tham khảo.

Một điều không thể phủ nhận khác là động thái thoái vốn nhà nước đã tác động tích cực tới thị trường, cộng thêm việc GDP quý III tăng trưởng tốt, kỳ vọng đạt chỉ tiêu đề ra 6,7%… Đây là yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng trưởng, khiến năm 2017 được xem là năm sôi động nhất của thị trường trong 10 năm trở lại đây.

– Ông cho rằng thị trường hiện tại thiếu yếu tố bền vững. Vậy thì theo ông, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ cần có chiến lược đầu tư ra sao trong giai đoạn này?

Cần phải quan sát dòng tiền vốn chuyển rất nhanh giữa các nhóm ngành. Ví dụ năm 2017 đầu năm thị trường tăng đều, từ blue-chip đến penny đều tăng, sau đó chuyển sang nhóm penny rồi chuyển lại midcap, đến cuối năm các bluechip lại tăng như SAB, PNJ, FPT, VCB, VCS, VIC, VNM… Vì vậy nhà đầu tư cần nắm được xu hướng của dòng tiền ngắn và dài sẽ biết được chính xác nên đầu tư vào nhóm nào trong từng giai đoạn, khi nào thị trường “xanh vỏ đỏ lòng” cũng như đón đầu các nhóm ngành tiềm năng.

– Với mức độ phát triển như hiện nay, ông dự đoán Vn-Index năm 2018 sẽ diễn biến ra sao và ngành nào triển vọng, sẽ có cơ hội dẫn dắt thị trường?

Tôi kỳ vọng thị trường có thể lên 1.000 điểm hoặc vượt đỉnh cũ 1.179 điểm. Con số dự đoán Vn-Index có thể đạt 1.200 – 1.300 điểm, khó lên tới 1.500 điểm như nhiều kỳ vọng khác. Nếu thị trường lên 1.300 điểm và vẫn giữ “công thức cũ” như hiện nay thì cổ phiếu SAB có thể lên tới 600.000 – 700.000 đồng/cp, cổ phiếu VNM có thể tăng giá gấp đôi. Chuyện đó khó xảy ra và cũng khó bền vững, vì vẫn là một số mã chứng khoán tăng cục bộ.

Do đó, sau cơn sốt vượt 1.000 điểm, thị trường có thể sẽ giảm xuống và kéo theo 1 số mã VN30 giảm. Cơ hội cho thị trường năm sau tập trung vào các ngành công nghệ, năng lượng, vận tải, ngân hàng và một số cổ phiếu midcap.

Sự xuất hiện của Bitcoin với giới đầu tư

– Gần đây nhà đầu tư nhắc khá nhiều tới bitcoin hay rộng hơn là thị trường tiền ảo, coi đó là một kênh đầu tư mới mẻ và khá hấp dẫn. Quan điểm của ông ra sao? Nó có đáng tin cậy và có phải một kênh đầu tư hiệu quả khác bên cạnh đầu tư chứng khoán hay không?

Đầu tư vào Bitcoin (BTC) hoặc các loại tiền kỹ thuật số khác (crytocurrency) bị cấm tại Việt Nam, không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ cho người đầu tư. Tuy nhiên do mức độ tăng giá được tính bằng lần nên thu hút NĐT bất chấp rủi ro. Mặt khác nhờ vào thời đại công nghệ họ có thể tự mở tài khoản tại nước ngoài, trên các website hay các phần mềm giao dịch một cách dễ dàng.

Nhiều chuyên gia, định chế tài chính lớn cho rằng đây là một Ponzi khổng lồ, bong bóng nhưng cũng nhiều người nói rằng là một kênh đầu tư tiềm năng với công nghệ blockchain nổi tiếng. Dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng hầu hết mọi người đều thừa nhận công nghệ blockchain nền tảng của bitcoin có thể ứng dụng được ở mọi mặt của cuộc sống. Còn việc giao dịch bitcoin theo tôi cũng như tất cả các dạng tài sản khác đều có lợi ích và rủi ro.

Với những NĐT vẫn kiên quyết đầu tư vào bitcoin thì cần phải lưu ý để khả năng lợi nhuận cũng như lường trước các rủi ro và biết chấp nhận nó. Đặc biệt với một sản phẩm mà trong 8 năm qua đã tăng đến gần 13 triệu lần (từ 0,00073 USD lên gần 10.000 USD). Ngoài ra đã có dự báo tới năm 2027, đồng tiền này còn lên tới 100 ngàn USD.

Vì vậy những NĐT và tổ chức lớn vẫn đang đứng ngoài cuộc chơi này và đã đánh tín hiệu đây là một Ponzi vĩ đại vượt qua vụ lừa đảo kinh dị cách đây 10 năm từ Bernard Madoff (với thiệt hại tương đương hàng trăm tỷ USD giá trị hiện tại và đây cũng là vụ gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử bị quy cho một nhân vật duy nhất).

Chúng ta nên cầu nguyện đây không phải là mô hình Ponzi nếu không nó sẽ là vụ lừa đảo kinh dị nhất lịch sử nhân loại, bởi vì vốn hóa thị trường tiền kỹ thuật số đã vượt 300 tỷ USD và dự kiến đạt 500 tỷ USD vào thời điểm kết thúc năm 2017. Thị trường này thậm chí còn được dự báo vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2018, giá của Bitocoin sẽ lên 100 ngàn USD vào năm 2027. Nếu điều đó xảy ra thì mất mát của vụ Madoff sẽ chẳng là gì.

– Tại Việt Nam, thị trường tiền ảo vẫn gặp phải sự e ngại từ phía cơ quan quản lý. Ông đánh giá nguyên nhân thực sự là gì và có thể có biện pháp nào khắc phục việc này?

Do bản chất của bitcoin và các tiền kỹ thuật số khác là đồng tiền không định danh, nó được sinh ra để không ai có thể quản lý được vì thế việc người ta đi tìm cách quản lý nó là trái ngược với mục đích của nó được sinh ra. Chính vì thế việc quản lý là không dễ dàng, đây là bài toán siêu khó của các quốc gia lớn trên thế giới. Tuy nhiên Chính phủ cũng đã có chỉ đạo các cơ quan quản lý đề ra chính sách quản lý các đồng tiền trên. Kết quả thì cũng còn phải chờ những quy định sắp tới.

Về cá nhân tôi thì nếu việc quản lý gặp khó thì chí ít cũng cần giám sát được các giao dịch để thu được thuế hoặc công nhận một phần lợi ích của nó như công nghệ blockchain để áp dụng vào các hình thức quản lý hay các lĩnh vực khác vốn được nhiều nước trên thế giới đang sử dụng tạo hiệu quả tích cực.

Xin cảm ơn ông.

HOTLINE