Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Trong một dự báo tích cực, VDSC cho rằng Vn-Index sẽ bứt phá lên vùng 1.250-1.265 điểm sau khi tích lũy thêm. Tuy nhiên, NĐT cũng cần lưu ý đến hạn chót nâng tỷ lệ margin của CTCK là tháng 6, dẫn đến một số phiên “tụt áp” bất ngờ.
Theo báo cáo chiến lược của CTCK Rồng Việt (VDSC), trong khi các thị trường khác trên thế giới gặp điều chỉnh trong giai đoạn nửa cuối quý I/2018 thì chỉ số VN-Index lại tăng liên tục trong 3 tháng, cụ thể 11,5% trong tháng 1 và 1,3% và 4,4% trong tháng 2 và tháng 3. Thị trường Việt Nam trong quý I/2018 có thể gọi là “đường ta, ta đi”.
Thanh khoản dồi dào, hoạt động mua ròng mạnh của khối ngoại, các cổ phiếu vốn hóa lớn thay phiên nhau dẫn dắt chỉ số. Các yếu tố này trên nền bức tranh vĩ mô tươi sáng trong quý đầu năm đã tạo nên nét riêng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tháng Tư thị trường sẽ tiếp tục có những yếu tố hỗ trợ để nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào một kịch bản tích cực.
Đầu tiên, nền vĩ mô vẫn tiếp tục ổn định. Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 tốt đẹp cùng với mức lạm phát vẫn đang được kiểm soát, tỷ giá không có nhiều biến động và mặt bằng lãi suất chưa có dấu hiệu sẽ sớm tăng trở lại. Có một điều lưu ý là trong 3 năm gần đây, tăng trưởng GDP quý I thường vào mức thấp nhất năm nhưng năm nay lại cao đột biến, một phần vì cùng kỳ 2017 mức tăng trưởng GDP không cao. Do đó, liệu rằng, xu hướng “quý sau cao hơn quý trước” có đảo chiều trong năm nay hay không sẽ là một dấu hỏi vào quý II sắp tới.
Thứ hai, không thể bỏ qua mùa công bố KQKD quý 1 và họp ĐHĐCĐ. Một số ước tính sơ bộ của VDSC thông qua các kế hoạch 2018 của doanh nghiệp thì tình hình kinh doanh đang khá khả quan. Lợi nhuận kế hoạch dự kiến tăng trưởng 20%. Trước đây, trong báo cáo chiến lược năm 2017, VDSC cũng đưa ra dự báo với mẫu là các doanh nghiệp chiếm 88% vốn hóa thị trường, lợi nhuận năm 2018 kỳ vọng tăng 19,7%. Đây là cơ hội để dòng tiền phân tán một chút, chuyển sang thêm nhiều cổ phiếu khác ngoài nhóm large-cap có câu chuyện và động lực tăng trưởng riêng.
Mặc dù vậy, có một điểm lưu ý ở đây đó là nếu căn cứ theo mức tăng về lợi nhuận dựa trên kế hoạch các doanh nghiệp sơ bộ thì có thể thấy mức tăng của chỉ số trong quý I/2018 (19,7%) đã phần nào phản ánh hết kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận nêu trên.
Thứ ba, chứng quyền có đảm bảo sau một thời gian dài được giới thiệu, truyền thông và hướng dẫn đến nhà đầu tư có thể sẽ được triển khai vào giai đoạn cuối tháng Tư – đầu tháng Năm. Đây là sản phẩm mới, mang lại hiệu quả đầu tư cao lại vừa phòng ngừa rủi ro tốt hơn chứng khoán cơ sở. Sự ra đời của chứng quyền có bảo đảm được kỳ vọng góp phần cho thị trường sôi động hơn, gia tăng thanh khoản và thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài cụ thể ở các mã đang “full room”.
Theo kịch bản này, VDSC kỳ vọng chỉ số VN-Index dao động tích lũy thêm quanh mốc 1.170 – 1.200 điểm và sẽ bứt phá để hướng đến mốc kháng cự tiếp theo quanh vùng 1.250 – 1.265 điểm.
Bên cạnh đó, vẫn có thể xuất hiện kịch bản kém tích cực hơn là chỉ số VN-Index có thể điều chỉnh với biên độ 5% – 7%. Có một số yếu tố có thể dẫn đến kịch bản này.
Thứ nhất, rủi ro với chiến tranh thương mại trước mắt giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tạo hiệu ứng dây chuyền đến tình hình giao thương của toàn cầu. Tác động tiêu cực dễ nhận thấy trước mắt là tổng lượng hàng hóa thương mại sẽ suy giảm. Tiếp theo là quyết định đầu tư của các công ty đa quốc gia và cuối cùng là làm gia tăng tính bất ổn cho hệ thống tài chính toàn cầu.
Thứ hai, FED dự kiến nâng lãi suất 3 lần trong năm 2018. VDSC cho rằng FED thậm chí có thể tăng 4 lần trong năm 2018 khi cơ quan này tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ trong cuộc họp chính sách vào tháng Ba vừa qua. Kỳ họp tiếp theo của FED vào ngày 2/5/2018 và 13/6/2018. Nếu xác suất dự báo FED nâng lãi suất vào tháng Năm thì nhiều khả năng thị trường sẽ phản ứng trước vào tháng Tư trước đó. Nhắc lại trong bối cảnh thị trường đang lưng chừng ở mốc cao lịch sử thì độ nhạy cảm với các thông tin như vậy cũng sẽ đáng kể hơn. Điều này đã từng được chứng minh trong quý I vừa qua.
Thứ ba, hạn chót để các CTCK nâng tỷ lệ ký quỹ cho vay margin lên 60% sẽ rơi vào tháng Sáu sắp tới. Thị trường trong quý I cũng từng chứng kiến một số ít phiên “tụt áp” bất ngờ và được tin rằng là do vấn đề các CTCK đang từ từ hạ nhiệt dòng vốn margin. Do đó, không thể loại trừ kịch bản này có thể lặp lại vào tháng Tư này.
Theo đánh giá của VDSC, xác suất diễn ra kịch bản 1 cao hơn kịch bản 2, khá nhiều thông tin đang ủng hộ kịch bản tích cực cho thị trường chứng khoán.
Nguồn: NDH