Tin tức - Tuyển dụng / Tin báo chí
Việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Lúa gạo nhằm nâng cao chất lượng của ngành Nông nghiệp là một trong những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu ngành hàng này đã có những chuyển biến rất tích cực ngay từ đầu năm.
Xuất khẩu gạo đang ngắm tới đích 6,5 triệu tấn trong năm nay
Xuất khẩu gạo gặp thuận lợi
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khối lượng gạo xuất khẩu (XK) tháng 2/2018 ước đạt 397 nghìn tấn với giá trị đạt 197 triệu USD, đưa khối lượng XK gạo 2 tháng đầu năm 2018 ước đạt 889 nghìn tấn và 437 triệu USD, tăng 21% về khối lượng và tăng 39,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Không chỉ gia tăng về khối lượng, giá gạo XK bình quân tháng 1/2018 đạt 486 USD/tấn, tăng tới 13,6% so với cùng kỳ năm 2017. Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 26,9% thị phần, tiếp đến là Trung Quốc – thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 23,5% thị phần.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Cục trưởng thường trực Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng xuất khẩu đang gặp nhiều thuận lợi từ đầu năm, nhất là vấn đề giá. Ông Toàn so sánh, nếu như giá gạo XK bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn, năm 2017 là 450 USD/tấn thì sang đến những tháng đầu năm 2018, giá gạo Việt XK đã bật tăng lên 475 USD/tấn. Đây được xem là mức giá tốt nhất trong vòng 3-4 năm trở lại đây.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định, sở dĩ gạo Việt XK được giá cao là do chất lượng đã tăng lên. Trước đây chúng ta thường XK gạo thường IR 50404, giờ chủ yếu xuất gạo nếp thơm, ngon. Theo đó, trong năm 2017, tỷ lệ gạo chất lượng cao chiếm 81% trong cơ cấu XK. Trong khi, cơ bản chất lượng gạo của các đối thủ cạnh tranh không cải thiện nhiều, còn gạo Việt có cải tiến đáng kể.
“Năm 2017, trong cơ cấu gạo XK thì 81% là gạo chất lượng cao nên cơ cấu giá nó cũng thay đổi. Đây chính là bản chất vì sao gạo của chúng ta đã có giá bán khá cao trong giai đoạn hiện nay”- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Tiếp tục cải tiến chất lượng
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Lúa gạo nhằm nâng cao chất lượng thời gian qua là nguyên nhân chính khiến XK gạo đi đúng hướng. Ngoài ra, một yếu tố khác cũng tác động đến giá gạo Việt Nam đó là quan hệ cung – cầu. Theo đó, Thái Lan mấy năm trước có khoảng mười mấy triệu tấn gạo tồn kho, giờ chỉ còn 3-4 triệu tấn nên cũng khiến giá cả mặt hàng này tăng lên.
Mặc dù những tháng đầu năm 2018, mặt hàng gạo đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Toản, mặt hàng này còn không ít thách thức. Theo ông Toàn, khâu chế biến sản phẩm gạo của Việt Nam còn thấp so với trình độ chung của thế giới. Việt Nam còn kém xa Thái Lan về việc đa dạng hóa, chất lượng, mẫu mã và một số vấn đề về thương hiệu gạo.
Ông Toản cho hay, hiện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đang nỗ lực hoàn thành và trình Chính phủ sớm đề án khắc phục những yếu kém này. “Tuy nhiên, cũng không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Ngành gạo phải cố gắng xây dựng thương hiệu, đồng thời chế biến là cốt lõi đi kèm tổ chức phát triển thị trường”- ông Toản nói.
Thứ trưởng Tuấn khẳng định, tới đây, Bộ NN&PTNT tiếp tục kiên trì đi theo con đường nâng cao chất lượng. Theo Thứ trưởng, năm ngoái Việt Nam XK được 5,8 triệu tấn gạo, với đà thuận lợi như hiện nay, năm 2018 chúng ta hy vọng sẽ XK được 6,5 triệu tấn gạo. Và để đạt được vẫn phải giữ cơ cấu chủ yếu là gạo chất lượng tốt. Gạo thường vẫn có nhưng tỷ lệ nhất định, không quá 20%. “Không vì giá tốt trước mắt mà chúng ta hạ phẩm chất lượng gạo của chúng ta xuống. Chúng ta đã cải tiến chất lượng tốt rồi thì cần phải làm tốt hơn để gạo chúng ta có thương hiệu trên thị trường thế giới. Tới đây phải làm tốt thương hiệu, có thương hiệu lâu dài chúng ta sẽ giữ được giá”- Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Giá lúa trong nước cũng tăng nhẹ
Không chỉ XK gạo thuận lợi, theo Cục Trồng trọt, đến cuối tháng 2, các tỉnh phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) gieo cấy được 907,1 nghìn ha lúa Đông Xuân, bằng 97,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại miền Nam, diện tích gieo sạ lúa Mùa 2017 đạt 570.585ha, chiếm 102,2% kế hoạch; đã thu hoạch được khoảng 545.562ha, chiếm 95,61% diện tích gieo trồng, năng suất đạt 48,3 tạ/ha. Năng suất lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt 60 tạ/ha, tăng 5 tạ so với cùng kỳ 2017. Giá lúa ở khu vực này ổn định và tăng nhẹ 100-500 đồng/kg.
Nguồn: BPL